129 tấn cá bị chết thiệt hại 18 tỉ đồng
Theo Sở NNPTNT tỉnh, cá bè của bà con ngư dân bị chết hàng loạt tới 3 lần liên tiếp bắt đầu từ ngày 5-6.9. Tính đến cuối tháng 9.2015, có khoảng 129 tấn cá bị chết với tổng thiệt hại ước tính vào là hơn 18 tỉ đồng. Ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM xác định nguyên nhân và xác định có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và: Nguồn gây ô nhiễm chính do hoạt động xả thải ra sông của các doanh nghiệp (chiếm 76% nguyên nhân), có 15% nguyên nhân do hoạt động nuôi cá lồng bè của bà con chưa khoa học, còn lại là các nguyên nhân do hình thức nuôi quảng canh (chiếm 5%), xả nước thải sinh hoạt (chiếm 2%). Theo đó, số tiền các doanh nghiệp phải đền bù cho người dân là trên 13,8 tỉ đồng.
Từ đó, Viện Môi trường và Tài nguyên đưa ra bảng tính toán tỉ lệ đóng góp nguồn thải của các doanh nghiệp. Cụ thể: Cty TNHH thủy sản Hòa Thắng đóng góp tỉ lệ ô nhiễm 13,5%, Cty TNHH Thịnh An 17,91%, Cty TNHH Phước An 18,45%, DNTN chế biến hải sản Trọng Đức 22,85%, DNTN Đại Quang 9,97%, DNTT Trung Sơn 6,55%, DNTN Thương Thương 0,75%, DNTN Đông Hải 1,06%, DNTN Tân Thành 2,16%, Cty TNHH Nghê Huỳnh 2,04%, DNTN Gia Hòa 0,75%, chi nhánh DN Thành Đạt 1,44%, DNTN Mỹ Sương 0,13% và cuối cùng là DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc 2,58%.
Doanh nghiệp không chịu bồi thường
Tại buổi đối thoại, 13/14 doanh nghiệp (một doanh nghiệp vắng mặt) vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt không phải do các nhà máy xả thải ra môi trường gây ô nhiễm. Một số doanh nghiệp còn viện dẫn do bà con ngư dân không biết cách chăn nuôi, chăm sóc, vệ sinh dẫn đến cá bị chết.
Số doanh nghiệp khác lại cho rằng có nhiều nguyên nhân khác tác động dẫn đến cá chết như rác thải sinh hoạt từ chợ Chu Hải, từ người dân. Đa số các doanh nghiệp đều bác bỏ và phủ nhận báo cáo đánh giá tính toán về tỉ lệ đóng góp ô nhiễm môi trường cũng như phần trăm gây ô nhiễm mà Viện Môi trường và Tài nguyên đưa ra. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vẫn không chấp nhận bồi thường cho người dân.
Đại diện Sở NNPTNT và Sở TNMT phản bác, chứng minh rằng: Tình trạng xả thải diễn ra từ nhiều năm nay, những tài liệu thu thập được tính toán một cách chính xác và khoa học. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp phải bồi thường cho người dân. Nếu các doanh nghiệp không đồng thuận, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân làm các thủ tục khởi kiện ra tòa án.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đặt vấn đề: Các doanh nghiệp đều đưa ra những lý do rằng mình có hệ thống xử lý nước thải nhưng “liệu hệ thống đó có hoạt động hay không?”. “Chúng tôi ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên tình trạng cá chết là có thật, thiệt hại của bà con đã xảy ra, các doanh nghiệp phải nhìn thấy cảnh bà con đem cá chết đi kêu cứu các cơ quan chức năng mới cảm nhận được sự xót xa, đau đớn của bà con. Người dân cũng muốn yên ổn làm ăn chứ đâu muốn kiện cáo. Chính vì vậy các doanh nghiệp nên suy nghĩ, bàn bạc và tính toán để đi đến thống nhất chung. Trong trường hợp không thống nhất được thì đưa vụ việc đến tòa án giải quyết theo quy định pháp luật”.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phía doanh nghiệp đã xin thêm thời gian bàn bạc để thống nhất ý kiến trả lời UBND tỉnh trước ngày 10.12.