Những ngày theo chân đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới chúng tôi được lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con về tình hình giá cả các mặt hàng nông sản mà cảm thấy buồn lòng. Nông dân không bán được cá vì giá cá rớt thê thảm do đụng với cá vùng trên chuyển về. Nhiều nhà nông cho biết, hiện cá đã tới kỳ bán nhưng họ chưa dám thu hoạch vì giá ở mức quá thấp, không đủ chi phí thức ăn.
Năm rồi, giá cá bổi loại 8 con/kg từ 60.000-62.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn từ 28.000-29.000 đồng/kg, còn so với năm 2013 giảm 50.000 đồng/kg. Với tình hình giá cả như thế này thì để lại cũng lỗ và bán đi cũng lỗ, công sức 1 vụ nuôi coi như bỏ biển.
Ông Hai Hiền, nông dân ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, bộc bạch: “Nông dân đã qua mùa hạn thất thu nay lại dội chợ về giá như thế này thì thử hỏi nông dân vùng ngọt lấy cái gì mà ăn Tết”. Chị Bùi Thị Dung, ngụ cùng ấp, tiếp lời: “Mùa hạn rồi khô đìa đến nỗi không có cá để giống. Ðến thời điểm này, đầu tư vào 5 ao cá (4.200 m2) khoảng 100 triệu đồng, nếu bây giờ thu hoạch thì sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng. Hiện cá đã tới lứa nhưng vẫn để đó chờ giá, nhưng để càng lâu thì tiền thức ăn càng đội lên, cùng lắm là hơn tuần nữa phải bán dứt điểm, dù lỗ vẫn phải bán”.
"Vụ cá bổi hằng năm là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân để chuẩn bị cho cái Tết sung túc, còn năm nay coi như mất Tết. Không chỉ riêng những hộ ở đây, mà đây là tình hình chung cho cả vùng nuôi cá bổi”, chị Ðặng Thị Phượng, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Kinh Cũ, bộc bạch.
Cá bổi không chỉ là thu nhập chính cho nhiều gia đình trực tiếp nuôi mà còn kéo theo thu nhập của hàng trăm gia đình sống nghề làm thuê công nhật.
Chủ vựa cá khô ở thị trấn Trần Văn Thời, chị Trần Kiều Oanh cho biết: “Cá Ðồng Tháp có giá dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá địa phương thì giá từ 45.000-50.000 đồng/kg (nguồn cung không ổn định) nên dù đôi lúc tính luôn công vận chuyển thì có khi cũng chỉ bằng cá địa phương ở thời điểm giá thấp, nhưng được cái là mùa nào cũng có nên rất dễ cho thương lái chúng tôi chọn lựa".
Tại cơ sở chế biến cá khô này, trung bình mỗi ngày cơ sở cũng chế biến được từ 500-600 kg cá. Lao động thường nhật tại cơ sở cũng từ 15-20 người. Bình quân 1 ngày 1 lao động cũng kiếm được từ 100.000-200.000 đồng từ tiền làm cá mướn. Như vậy toàn tỉnh có trên 300 ha nuôi cá bổi hiện nay thì lượng lao động được giải quyết việc làm là khá lớn.
Anh Ðinh Văn Tấn, nông dân huyện Trần Văn Thời, bức xúc: “Nhà nước phải có chế tài quản lý như thế nào trong vấn đề nguồn nguyên liệu để việc sản xuất của bà con được ổn định và bền vững. Trong khi, cá bổi lọt vào danh sách một trong những mặt hàng chủ lực của tỉnh và có thương hiệu hẳn hoi thì việc nhập nguyên liệu của tỉnh khác về và chế biến thì vô tình đã làm thiệt hại đến sản xuất của người nông dân địa phương”.
Dẫu biết rằng thị trường là tự do mua bán, với thương lái thì nguyên liệu nơi nào giá rẻ và giảm được chi phí thì họ mua. Tuy nhiên, các ngành chức năng (cụ thể Sở Công thương) nên có kế hoạch kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra của nhãn hiệu khô cá bổi U Minh. Ðồng thời ngành nông nghiệp nên có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn bà con nâng cao hiệu quả sản phẩm nhưng đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, vận động các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể khô cá bổi U Minh có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng nên tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh tăng vụ nâng cao sản lượng cho người nông dân nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, đừng để người nông dân cứ mãi phải “thua ngay trên sân nhà” như thời gian đã qua./.