Ngư dân huyện đảo Lý Sơn và ngư dân xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi là 2 địa phương tập trung nhiều chủ tàu chuyên đánh bắt cá cơm.
Mùa đánh bắt cá cơm bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm.
Tàu đánh bắt cá cơm xuất bến khoảng 14h chiều và trở về bến khoảng 8h sáng hôm sau. Chỉ tính riêng tại xã Tịnh Kỳ, TP Quang Ngãi mỗi ngày có 15-20 tàu công suất lớn cập bến để bán cá cớm, với giá dao động từ 11.000-30.000 đồng/kg (giá cá tùy theo chất lượng).
Để nâng cao giá trị cho cá cơm được đánh bắt từ ngư trường Hoàng Sa, nhiều chủ cơ sở chế biến cá cơm ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi đã chủ động chế biến, sơ chế, bảo quản cá cơm nhằm giữ lại độ tươi lâu hơn, xuất sang thị trường Trung Quốc, Malaysia… với giá cao hơn gấp nhiều lần.
Công đoạn hấp cá cơm. Ảnh: Ngọc Viên
Bà Nguyễn Thị Liêu (63 tuổi) trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ cho biết: “Để có được những mẻ cá cơm khô thành phẩm, trước hết, cá phải được rửa sạch, rải đều lên mặt vỉ, rồi sau đó đưa vào lò hấp.
Sau khi chín, được mang ra phơi nắng, và phải liên tục trở đều để cá được tươi ngon, săn chắc. Mỗi ngày cơ sở của tôi hấp khoảng 5 tấn cá cơm tươi để phơi khô.
Trung bình 3 tấn cá tươi làm xong phơi khô còn lại 1 tấn, thương lái thu mua cá khô khoảng 50.000-80.000 đồng/kg (giá cá tùy theo chất lượng)”.
Đi dọc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ những ngày này, đâu đâu cũng phảng phất mùi cá cơm thơm lừng hòa vị mặn mòi của biển cả.
Cá cơm được phơi khô, sau đó được sơ chế, phân loại, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ảnh: Ngọc Viên
Theo nhiều ngư dân, những năm trước, cá cơm sau khi được đánh bắt về chủ yếu dùng để muối mắm, tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân, chủ cơ sở chế biến cá cơm đã “biến tấu” cá cơm thành nhiều sản phẩm đa dạng hơn, từ đó giá cá cơm cũng được nâng cao, tạo nguồn thu nhập khấm khá cho người dân vùng biển chuyên nghề đánh bắt, chế biến cá cơm.
Hiện xã Tịnh Kỳ có 10 cơ sở sản xuất cá cơm khô. Mỗi cơ sở giải quyết được việc làm cho 10 – 20 lao động tùy vào quy mô lớn nhỏ với mức thu nhập từ 200.000 đồng – 350.000 đồng mỗi ngày.
Cá cơm khô ngày càng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, vì vậy, nhiều lò sơ chế cá “đỏ lửa” từ sáng sớm đến tối mịt để chạy đua với mùa cá cơm.
Sơ chế cá cơm sau khi được phơi khô. Ảnh: Ngọc Viên
Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Tịnh Kỳ là địa phương nổi tiếng với nghề đánh bắt, sơ chế cá cơm. Cá cơm được phơi khô, bán cho thương lái giá thành cao hơn so với bán tươi và muối mắm, nên góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Việc các cơ sở chế biến cá cơm ngày càng linh hoạt hơn trong việc tiếp cận thị trường, xuất khẩu cá cơm sang nước ngoài cũng góp phần nâng cao giá trị cá cơm. Cá cơm được tiêu thụ mạnh, đời sống ngư dân vì thế cũng khá, giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển.