Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, cũng là lúc mùa cá diếc bắt đầu, người dân tha hồ bắt cá bằng cách câu hoặc thả lưới. Cá diếc còn gọi là tức ngư, tên khoa học là Carassus auratus L., thân dẹt, dài khoảng 15-30cm, đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên trên, mắt có viền màu đỏ, lưng nhô cao, toàn thân màu bạc, sống tập trung ở các con sông quê của miền Trung. Theo Đông y, cá diếc ôn trung bổ hư, kiện tỳ, lợi tiểu,... được dùng cho những người bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược, gầy còm ốm yếu, khí huyết bất túc khiến ăn uống kém, ợ chua, hoặc tỳ hư phù nề, tiểu tiện khó... Tùy từng loại bệnh mà người ta kết hợp cá diếc với các nguyên liệu khác để chế biến.
Có nhiều cách chế biến cá diếc để dùng trong các bữa cơm hàng ngày, như: chiên giòn, kho tương… Ngoài ra, canh cá diếc củ cải trị đầy bụng, lạnh bụng không tiêu, ăn kém, suy nhược cơ thể; cá diếc hầm đậu đỏ dùng trong các trường hợp phù nề tay chân, phụ nữ có mang phù nề và có tác dụng an thai. Canh cá diếc sa nhân dùng trong các trường hợp tỳ vị hư nhược, đầy trướng bụng, ăn kém hoặc đau quặn bụng, tiêu chảy; cá diếc hầm sa nhân cam thảo dùng cho bệnh nhân phù thũng toàn thân; các bà mẹ đang nuôi con nhỏ dùng món cá diếc hầm chân giò sẽ khắc phục được việc ít sữa, tắc sữa; cháo cá diếc rất thích hợp cho phụ nữ có thai ba tháng đầu bị ốm nghén với triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, da xanh, buồn nôn...
Dễ làm và nhanh nhất có lẽ là canh cá diếc rau răm.
Cá diếc còn tươi, tốt nhất là còn sống, sau khi làm sạch, thả vào nồi nước sôi vài phút là chín. Sau đó, cho rau răm vào, nêm chút nước mắm, thêm vài trái ớt xanh, một ít tiêu xay là được món cực ngon và bổ dưỡng, ai dùng cũng tốt. Những người bị cảm, mệt mỏi, chán ăn, dùng canh cá diếc rau răm, sẽ cảm thấy tỉnh táo, khỏe hơn. Canh cá diếc rau răm có thể dùng chung với cơm hoặc bún.
Để thưởng thức những món chế biến từ cá diếc được ngon, người ta phải để nguyên vảy và đầu. Ngon nhất là khi cá mang bụng trứng, vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Trứng cá diếc được xem là “đặc sản”, béo thanh, không giống với bất kỳ trứng loài cá nào khác, ăn một lần là nhớ mãi. Theo những người sành ăn, cá diếc sống trong ao, bàu, vảy màu sậm, không sáng và đẹp bằng cá sống ngoài sông, nhưng thịt béo hơn. Tuy nhiên, bây giờ ao, bàu không còn nhiều như trước, nên cá diếc sống trong môi trường này cũng hiếm đi.
Cá diếc tuy nhỏ, thịt ít, xương nhiều, không cẩn thận ăn dễ bị mắc xương. Tuy nhiên, là loài cá vừa ngon, vừa chứa nhiều vị thuốc chữa bệnh, nên người ta vẫn ưa chuộng. Đến miền Trung vào mùa cá diếc, có lẽ ai cũng muốn một lần thử qua cho biết. Muốn ăn loài cá này một cách “an toàn”, phải lấy thịt từ sống lưng trở ra, thuận theo chiều của xương. Bởi vậy, ăn cá diếc phải từ tốn để thưởng thức vị ngon của nó cũng như tránh được “sự cố” do xương cá gây nên.