Như NNVN đã thông tin, do quá nhiều bê bối sai phạm tài chính “dích dắc” từ thời làm Chủ tịch HĐQT 4 DN là TCty Hải Sản Biển Đông; Cty CP Công nghiệp Thủy sản; Cty CP Biển Tây và Cty CP Aquafeed Cửu Long nên ông TS Nguyễn Hữu Lộc (SN 1958, quê TP Cam Ranh, Khánh Hòa, thường trú Q.7, TP.HCM) đã bị Bộ chủ quản cách chức Chủ tịch HĐTV TCty Thủy sản VN (gọi tắt Seaprodex VN) vào tháng 1/2013.
Sau đó, chiều ngày 15/6, ông Lộc đã bị Cục CSĐT Tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) kết hợp phòng PC46 tỉnh Trà Vinh bắt giam và khám xét nơi làm việc tại Văn phòng Seaprodex (2-4-6 Đồng Khởi,P.Bến Nghé, Q.1,TP.HCM) do liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP Aquafeed Cửu Long (KCN Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) mà ông Lộc nguyên là chủ tịch HĐQT.
Điều đáng nói là, từ lúc ông Lộc bị cách chức, đến nay HĐTV Seaprodex VN chỉ còn 2 vị là ông Võ Phước Hòa và Trần Tấn Tâm, nhưng khi lật lại hồ sơ, té ra 2 vị này cũng từng có nhiều “thành tích” sai phạm trong quá khứ khi nắm giữ chức vụ lãnh đạo các công ty “con” của Seaprodex VN.
CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC Ô TÔ
Trước hết là ông Võ Phước Hòa - Chủ tịch HĐTV từ tháng 3/2013. Cách đây 9 năm, khi ông Hòa còn giữ chức TGĐ Cty CP Thủy đặc sản (Seaspimex, số 213 Hòa Bình, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), năm 2004 đã ký 2 văn bản là HĐKT số 372 và Giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Sơn (SN 1971,Trảng Bàng,Tây Ninh) là TGĐ Cty CP Đầu tư xây dựng kinh doanh địa ốc Đại Đô Thành ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) để cùng hợp tác đầu tư kinh doanh dự án xây dựng “Khu liên hợp thương mại, nhà cao tầng” tại trụ sở nói trên.
Dựa vào “bửu bối” của ông Hòa, Sơn đã làm mô hình, bản vẽ và xây dựng hoàn tất 2 căn nhà mẫu nhằm tạo lòng tin để khách hàng ký hợp đồng góp vốn, thực chất là mua căn hộ với số tiền 6,6 tỷ đồng.
Đến khi dự án vỡ lở vì “3 không” (không chủ trương đầu tư, không giấy phép xây dựng, không đóng tiền chuyển mục đích SDĐ cho Nhà nước), Sơn ôm tiền bỏ trốn. Sau đó, Cục CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã bắt giam Sơn về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, trách nhiệm của ông Hòa như thế nào trong việc “bán lúa non” nhằm tạo điều kiện cho ông TGĐ này lừa đảo, đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Năm 2007, nhận thấy việc mua lại phần vốn ở Cty Liên doanh Việt Pháp (Proconco, KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai) SX TĂCN sẽ mang lại hiệu quả cao, vẫn ông Hòa, lúc này lên chức Chủ tịch HĐQT Seaprodex VN đã có văn bản ngày 19/11/2007 xin ý kiến thành viên HĐQT về việc mua bán cổ phần tại Proconco.
Nhưng thật ra 1 năm trước, phi vụ này đã được ông Hòa “xé rào” thực hiện. Cụ thể, ngày 29/11/2006 ông Hòa đã tự ký kết thực hiện một lúc 2 hợp đồng (HĐ) dịch vụ tư vấn môi giới mua bán cổ phần tại Proconco với ông Jean Paul Roca ở hai tư cách (một là đại diện cho Cty TNHH Quản lý nguồn công nghiệp Việt Âu với trị giá hợp đồng là 300 ngàn USD, hai là tư cách cá nhân ông Jean Paul Roca với hợp đồng trị giá là 5% cổ phần tại Proconco tương đương 6 triệu USD tính theo thời giá).
Điểm “khó hiểu” là hai hợp đồng này đều cùng một nội dung, nhưng số hợp đồng lại khác nhau (HĐ 12.1-2006 và 121-2006). Đặc biệt là sự chênh lệch giá tư vấn giữa 300 ngàn USD và 6 triệu USD.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao ông Hòa lại xin ý kiến thành viên HĐQT Seaprodex VN trong khi vụ việc đã mua bán hoàn thành trước đó? Tại sao phải tốn 2 lần phí cho 2 hợp đồng tư vấn nhưng chỉ với một người và một mục đích, trong đó cá nhân ông Jean Paul Roca đã hưởng không 5% cổ phần?
Tiếp đó, HĐQT chỉ cho phép ông Hòa mua thêm, chứ không cho bán nhưng thực tế ông Hòa đã làm trái lệnh bằng chính việc thực hiện vừa mua vừa bán cổ phần Proconco. Như vậy, trong thương vụ này ông Hòa đã chi tiền tư vấn môi giới cho hợp đồng 12.1 (trị giá 300 ngàn USD) là trên 1,8 tỷ đồng tiền mặt và chi cho hợp đồng 121 (trị giá 5% cổ phần) là 217.830 cổ phần, tương đương số tiền 1.785.560 USD (theo giá bán vào thời điểm đó).
Điều này có nghĩa đã gây thiệt hại cho Seaprodex VN trên 1,7 triệu USD. Liệu ông Hòa có lợi ích gì khi chống lệnh của HĐQT và cả việc biếu không một số tiền lớn trên 1,7 triệu USD cho ông Jean Paul Roca?
BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ
Thứ hai là ông Trần Tấn Tâm - TGĐ Seaprodex VN. Năm 2006, khi còn là PGĐ Cty XNK Thủy sản Miền Trung (Seaprodex Miền Trung), ông Tâm đã trực tiếp ký kết hợp đồng và gây thất thoát vốn Nhà nước trên 9,3 tỷ đồng, trong đó riêng Cty TNHH Tự Lập nợ quá hạn thanh toán trên 445 ngàn USD tương đương trên 7,4 tỷ đồng.
Những sai phạm này đã được Bộ chủ quản kết luận vào ngày 3/12/2012 nhằm thu hồi số tiền đã bị thất thoát từ 5 năm trước. Đồng thời Bộ Tài chính cũng có văn bản số 1156/BTC-TCDN đôn đốc thu hồi tài sản nhà nước nhưng đến nay vẫn không thu hồi được.
Ngoài ra, ông Tâm còn chịu trách nhiệm liên đới đã để cho Seaprodex Miền Trung thua lỗ, mất vốn trước giai đoạn CPH. Năm 2007, khi CPH Seaprodex Miền Trung (lúc này đổi tên là Seaprodex Đà Nẵng), ông Tâm được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ điều hành.
Theo báo cáo Thanh tra, Seaprodex Đà Nẵng trong thời gian từ 2007 đến tháng 3/2011 đã xảy ra hàng loạt sai phạm cực kỳ nghiêm trọng, đó là cho khách hàng nợ số tiền quá lớn (khách hàng nợ năm 2008 là 291 tỷ đồng, năm 2009 là 310 tỷ đồng, năm 2010 là 253 tỷ đồng); không tuân thủ đúng quy định Nhà nước, buông lỏng quản lý để mất vốn hơn 45 tỷ đồng (mất 100% vốn điều lệ ban đầu của công ty); xử lý giảm vốn nhà nước năm 2009 đã được thu hồi nhưng không chuyển trả Nhà nước mà hạch toán thu nhập để chia nhau.
Tuy nhiên, từ ngày 15/3/2011 ông Trần Tấn Tâm vẫn được lên chức cao hơn là TGĐ Seaprodex VN, sau khi hợp nhất 3 Tổng công ty là Hải sản Biển Đông, Thủy sản VN và Thủy sản Hạ Long.
Lẽ ra, khi ở cương vị mới này, thay vì phải biết “giữ mình” thì ông Tâm lại tiếp tục gây thiệt hại 7 tỷ đồng cho Seaprodex VN khi đầu tư ngoài ngành. Cụ thể là QĐ 1172 cho phép Seaprodex VN mua 1 triệu cổ phiếu của Cty CP Cotecland trị giá 11,2 tỷ đồng. Việc đầu tư này đã vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ.
Không những thế, khoản đầu tư vào cổ phiếu Cotecland đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Seaprodex VN. Tính giá trị giao dịch ngày 6/12/2012 của cổ phiếu Cotecland là 4.300 đồng/cổ phiếu, như vậy với 1 triệu cổ phiếu thì đã bị thua lỗ 7 tỷ đồng.