Sa Pa có nguồn nước lạnh và tiềm năng du lịch dồi dào. Do vậy đề xuất nuôi cá nước lạnh của ngành nông nghiệp Lào Cai được UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ cao nhằm đưa sản phẩm cá nước lạnh vốn chỉ có ở các nước Bắc Âu đến Việt Nam để phục vụ bữa ăn chất lượng cao cho du khách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Năm 2005, được sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên các khu vực có nguồn nước lạnh đạt chuẩn dưới 15 độ C đã chọn Sa Pa là nơi triển khai thí điểm mô hình nuôi cá nước lạnh đầu tiên của cả nước.
Qua kết quả nghiên cứu ban đầu khả quan, đến nay, phong trào nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa phát triển mạnh. Đến nay, huyện Sa Pa đã có khoảng 1,7 ha diện tích mặt nước được sử dụng nuôi cá nước lạnh, tập trung ở các xã Bản Khoang, Tả Phìn, Tả Giàng Phình, Lao Chải, thị trấn Sa Pa, San Sả Hồ và xã Tả Van... Sản lượng từ năm 2010 trở lại đây đạt bình quân mỗi năm trên 150 tấn, doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm. Theo định hướng, đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chương trình nuôi cá nước lạnh đạt quy mô dung tích ao nuôi 30.000m3, sản lượng đạt 520 tấn, năng suất khoảng 18 - 20kg/m3.
Ngoài sản phẩm cá tươi cung cấp cho các nhà hàng tại chỗ, hiện Sa Pa đã có những cơ sở chế biến cá hồi khô, ruốc cá hồi nhằm đa dạng hóa sản phẩm cá nước lạnh tại địa phương. Một số cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm ở Sa Pa đã đầu tư ở mức cao hơn, tự nhập khẩu trứng cá về ấp và ương giống, mỗi năm cung cấp hàng vạn con cá giống ra thị trường. Điều hạn chế duy nhất hiện nay là trong nước chưa sản xuất được thức ăn đạt tiêu chuẩn, phải nhập khẩu thức ăn cá với giá thành cao, số lượng hạn chế dẫn đến chi phí nuôi cá nước lạnh khá lớn.
Trong khi đó, nguồn cá nước lạnh nhập lậu từ Trung Quốc chỉ có giá 80-100 nghìn đồng/kg, bằng 50% giá cá nội địa. Không quan tâm tới chất lượng cá nước lạnh sản xuất tại Lào Cai có thịt màu hồng tươi, chắc, có vị ngọt đậm và thơm ngon khác với cá nhập ngoại thịt bở, vị nhạt, có mùi tanh, nhiều người tiêu dùng tham rẻ mua và sử dụng cá nước lạnh nguồn gốc từ Trung Quốc. Tinh vi hơn, để đánh lừa người tiêu dùng, lượng cá hồi, cá tầm sau khi nhập lậu qua biên giới vào Lào Cai còn ngược lên Sa Pa trộn với cá bản địa để tiêu thụ. Gần đây, mặt hàng cá nước lạnh nhập lậu còn trắng trợn đi thẳng về các tỉnh, thành phố miền xuôi với danh nghĩa cá hồi, cá tầm Sa Pa.
Khi nghề nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh cũng là lúc nghề này chịu sức ép lớn từ cá nhập lậu qua biên giới. Năm 2012, Hội Cá nước lạnh Sa Pa ra đời với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi người nuôi cá hồi, cá tầm thông qua việc điều chỉnh giá, thẩm định nguồn gốc sản phẩm và phối hợp ngăn chặn cá nhập lậu, tiến tới đăng ký bảo hộ thương hiệu cá hồi, cá tầm Sa Pa.
Việc ngăn chặn cá nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại khu vực biên giới và cơ quan kiểm soát thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao ý thức, đạo đức kinh doanh của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cần phải “nói không” với cá nhập lậu. Với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, song song với xây dựng thương hiệu thông qua uy tín, chất lượng sản phẩm phải giảm giá thành đầu tư, tăng sản lượng, đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa.