Những hộ nuôi cá tra lớn bị thua lỗ đang dò dẫm chuyển sang nuôi cá lóc với hy vọng cá lóc trở thành cứu cánh. Tuy nhiên, người dân và chính quyền lại đặt ra giả thuyết: Liệu con cá lóc có vướng phải hệ lụy như con cá tra?
Giải pháp tình thế?
Gần một năm qua, con cá tra thăng trầm đã khiến cho người dân, các doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phải điêu đứng và hệ quả đáng buồn là nông dân thì rơi vào tình trạng nợ nần, có người phải phá sản vì bán cá không được để trả nợ. Các nhà máy chế biến cá tra cũng điêu đứng vì thiếu vốn thu mua nguyên liệu, sản xuất cầm chừng, lúc thì bị rào cản thị trường. Ở ĐBSCL, nhiều nhà máy đang đứng bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất. Tuy vậy, cũng còn nhiều doanh nghiệp và người dân lỡ "phóng lao phải theo lao", vẫn hy vọng một ngày nào đó con cá tra sẽ lấy lại được vị trí cũ của mình.
Cho đến hết năm 2012, ở nhiều tỉnh thành như Hậu Giang, TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng đặc biệt là An Giang, nhiều hộ nông dân nuôi cá đã hết kiên nhẫn với con cá tra và mạnh dạn đầu tư nuôi cá lóc, lúc đầu, chỉ mong cầm chừng cho qua giai đoạn khó khăn này. Kết quả bước đầu rất khả quan.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (Năm Hùng) ngụ tại ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang), đã có nhiều năm gắn bó, thăng trầm cùng con cá tra, tuy nhiên mấy năm qua ông liên tục bị lỗ do phải bán cá "chịu" cho doanh nghiệp và giá cá cứ "trồi sụt", tính ra không hiệu quả. Chính vì vậy, sau một thời gian treo ao "chờ thời", thấy không có hiệu quả, ông Hùng đã mạnh dạn cải tạo 2 ao cá tra cũ khoảng hơn 25.000m2 thử nuôi cá lóc. Kết quả thật bất ngờ vụ đầu tiên năm 2011, ông đã thu hoạch được trên 100 tấn cá lóc, giá bán lại cao từ 39.000 đồng/kg đến 41.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lợi được gần 1 tỉ đồng mà lại được trả tiền ngay tại ao, không bị hẹn 2 đến 3 tháng sau mới trả như bán cá tra.
Theo ông Hùng tính toán thì nuôi cá lóc tới "một vốn bốn lời", tăng hơn so với con cá tra. Ngay sau vụ đó, ông Hùng đã nuôi ý định "lấy lại những gì đã mất" từ con cá lóc. Nhiều người dân trong xã, lúc đầu cũng dè dặt khi thấy ông Hùng chuyển sang nuôi cá lóc, nhưng thấy ông làm thành công nên giờ đây nhiều hộ dân trong xã vừa hình thành vùng ươm cá lóc giống vừa thả nuôi cá lóc.
Ông Huỳnh Văn Lắm ngụ tại ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, ngay sau khi thấy phong trào nuôi cá lóc nở rộ đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 10.000m2 mặt nước nuôi cá tra sang ươm cá lóc giống và bán trứng nước để làm thức ăn cho cá con. Ông Lắm cho biết, khoảng hơn nửa tháng là ông lại bán ra lứa cá lóc giống kiếm vài triệu đồng, từ đó mà gia đình ông Lắm cũng khá dần lên, thoát khỏi cảnh thăng trầm như hồi ôm ấp con cá tra.
Cá lóc liệu có "lên hương"?
Cách làm ăn, nuôi trồng ồ ạt chạy theo thị trường của người Việt Nam nói chung và người dân vùng ĐBSCL nói riêng, đặc biệt là sự thăng trầm của con cá tra đã khiến cho người dân không thể tin và đoán được chuyện gì sẽ đến. Chuyện nuôi con gì, trồng cây gì để có hiệu quả cao cho đến giờ cũng chưa có nhà quản lý, nhà khoa học nào xác định để bà con yên tâm phát triển lâu dài. Chính vì vậy mà thời gian qua, mặc dù con cá lóc đã mang lại thu nhập lớn cho nhiều hộ dân nhưng hiện nay ao cá lóc khoảng 60 tấn (trong lượng khoảng 700g/con) gần đến thời gian thu hoạch, nhưng ông Năm Hùng vẫn như đứng trên "đống than" vì cách đây vài tháng giá cá lóc loại 1 giảm chỉ còn 30.000đồng/kg, trong khi giá hiện tại là 40.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá thành nuôi cá lóc chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, trong khi giá bán buôn ở thị trường từ 30.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg nên người nuôi có lợi nhuận rất cao. Thời gian qua ở vùng này người dân đã chuyển sang nuôi cá lóc, đây cũng là điều mà ông Năm Hùng lo lắng, cứ đà này chỉ cần năm tới thôi khi càng có nhiều hộ dân chuyển sang nuôi cá lóc ồ ạt thì "cung sẽ lại vượt cầu" và rồi lại sẽ tái diễn tình trạng rớt giá như con cá tra!
Ông Năm Hùng cho biết: Thời gian qua, thương lái đến thu mua cho biết ngoài nhập cho các chợ đầu mối trong vùng ĐBSCL, còn vận chuyển sang Campuchia. Tuy nhiên, thị trường vẫn rất hẹp. Ông Năm Hùng ví von: "Con cá tra nó xuất khẩu đi được nhiều nước mà còn chết thì con cá lóc thấm thía gì!".
Theo thống kê của UBND xã Khánh Hòa, đến thời điểm này đã có 35 ha diện tích mặt nước nuôi cá lóc giống và cá lóc thịt, tăng hơn 10 ha so với năm 2011, trong đó hầu hết là người dân chuyển từ nuôi cá tra sang nuôi cá lóc, thậm chí nhiều người còn bỏ lúa để nuôi cá lóc. Điều này không chỉ xảy ra ở An Giang mà Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang và cả đến Sóc Trăng cũng đã bắt đầu "rục rịch" chuyển đổi.
Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Hiện nay, con cá tra vẫn là đối tượng chủ lực và vẫn có đất sống. Tuy nhiên, để vực dậy con cá tra như thời gian trước đây thì từng địa phương riêng lẻ không thể thực hiện được mà cần có sự nỗ lực thống nhất của cả vùng. Thời gian qua trên địa bàn Cần Thơ đã có một vài hộ gặp khó khăn về cá tra chuyển sang nuôi con cá lóc, tuy nhiên theo báo cáo của Chi cục Thủy sản đến nay số lượng người nuôi không nhiều...".
Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng khuyến cáo, thời gian tới nếu các địa phương, cơ quan chức năng không làm tốt công tác thông tin thị trường và công tác quản lý thì người dân sẽ nuôi cá lóc ồ ạt, cung vượt quá cầu lúc đó sẽ xảy ra hậu quả nhãn tiền như con cá rô đầu vuông, hay con cá tra hiện tại…
Các ngành chức năng cần bắt tay vào việc nghiên cứu các giải pháp nhằm quy hoạch cụ thể vùng nuôi ổn định, mở rộng thị trường, tạo lòng tin cho người dân yên tâm nuôi trồng sản xuất. Đừng để tái diễn cảnh lập lại điệp khúc "trồng – chặt"; "trúng mùa – rớt giá"; "thất mùa – trúng giá" như đã xảy ra với cây ăn trái, lúa, tôm, cá,…