Tính đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh là 9.620ha với khoảng 15.919 hộ nuôi; riêng diện tích nuôi tôm Siêu thâm canh đến thời điểm này là 2.019ha.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đánh giá: Nhìn chung ý thức của người dân trong thực hiện các điều kiện theo quy định được nâng lên đáng kể; tuy nhiên, vẫn còn một số hộ cố tình né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, không khắc phục hạn chế, mặc dù có đủ điều kiện.
Theo đó, kể từ đầu năm đến nay, Tổ Kiểm tra 1926 (tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh) đã tiến hành kiểm tra 48 đợt với 179 hộ. Kết quả có 121 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế; 18 hộ không đạt và chỉ có 40 hộ đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã kiểm tra được 3.692 hộ. Theo đó, cũng đã phát hiện 1.369 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế và 422 hộ không đạt.
Liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết được xem là một giải pháp, hướng đi để nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cho người dân, phòng chống dịch bệnh… tuy nhiên, theo ông Bằng, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết sản xuất, mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa thắt chặt như mong muốn. Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 61 lượt hợp đồng liên kết đầu vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 18 HTX và 20 THT, gồm 700 hộ, với tổng diện tích 1.500ha; 12 công ty sản xuất tôm giống; 4 đại lý thức ăn, thuốc hóa chất và chế phẩm sinh học; 2 quy trình nuôi tôm STC 2 giai đoạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài, công ty tư vấn khai thác thủy sản bền vững xây dựng vùng nuôi có chứng nhận quốc tế.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã góp nhiều sáng kiến nhằm phát triển các loại hình nuôi tôm trong thời gian tới.