Mặc dù, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai cấp độ 2 gây hại trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (thời gian xảy ra thiên tai từ 1/2/2016 đến 15/5/2016), nhưng tính đến thời điểm này chưa có hộ dân nào trên địa bàn tỉnh nhận được tiền hỗ trợ thiên tai để khôi phục sản xuất.
Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Cà Mau có diện tích hơn 53.000 ha tôm bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai; trong đó tỷ lệ tôm thiệt hại trên 70% là 17.756 ha, thiệt hại từ 30-70% là 35.338 ha.
Ngoài ra, còn có gần 630 ha diện tích các loại cá nuôi gồm sặc rằn, bống tượng, cá chình cũng bị thiệt hại. Vì thế, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định công bố thiên tai cấp độ 2 gây hại trực tiếp đối với nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; đồng thời đề xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để chi trả cho người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất với nhu cầu kinh phí ước tính thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 142 tỷ đồng.
Tại huyện Trần văn Thời, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, diện tích thả giống thủy sản của huyện trong vụ nuôi vừa qua là hơn 15.690 ha, chủ yếu là tôm, cá chình, bống tượng, sặc rằn…, thì diện tích bị thiệt hại chiếm gần 14.500 ha, liên quan đến 10.644 hộ nuôi với kinh phí hỗ trợ thiệt hại gần 64 tỷ đồng.
Thông tư số 05 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất trong vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì điều kiện phải có hóa đơn, chứng từ kê khai ban đầu để đối chiếu.
Trong khi đó, theo ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, từ trước tới nay ở địa phương chưa có quy định bắt buộc người dân nuôi thủy sản phải đăng ký sản xuất với Chủ tịch xã.