Cụ thể, nuôi tôm thẻ chân trắng cần phải đầu tư lớn. Nhiều người nuôi tôm cho biết, vốn đầu tư cho 1 ao nuôi thấp nhất là 200 triệu đồng, trong khi mỗi hộ nuôi ít nhất là 2 ao nên số vốn đầu tư lên đến 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi tôm cũng phức tạp với những quy trình không phù hợp với điều kiện và trình độ của người nông dân, trong khi tỷ lệ nuôi thành công là 50/50. Ngoài ra, tình trạng điện chập chờn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghề nuôi gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bảnh, một nông dân đầu tư nhiều ao tôm thẻ chân trắng cho biết, sau khi thả tôm nuôi, ngoài việc cho ăn đúng giờ, phải mở hệ thống quạt nước đúng giờ, và phải dừng quạt nước đúng lúc. Do thường xuyên bị mất điện nên ai cũng phải mua máy phát điện dự phòng. Về kỹ thuật nuôi, ông Bảnh cho biết thêm, muốn tránh rủi ro thì phải thuê kỹ sư để tư vấn.
Một thử thách lớn nữa là hiện nay tôm thẻ chân trắng đang rớt giá tới 30% so với cùng kỳ. Theo nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm thường trúng ở vụ đầu, sau đó thì thất bát liên tục. Thông thường nếu nuôi trúng 1 vụ, thất bại một vụ thì đủ bù đắp vốn đầu tư, nhưng nếu trúng 1 vụ mà thất bát 2 vụ thì xem như lỗ nặng.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay bà con nông dân ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích lên tới gần 7.000 ha, nhưng lãi ít lỗ nhiều. Chính vì vậy, Sở khuyến cáo bà con hạn chế và cẩn thận khi tổ chức nuôi, theo đó khuyến khích nuôi tôm sú vì đây là hình thức nuôi bền vững ./.