Nhiều khó khăn, thách thức
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, hiện tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh chiếm khoảng 5.300 ha. Nghề nuôi tôm đã xuất hiện ở Cà Mau từ những năm đầu giải phóng, nên người nuôi có nhiều kinh nghiệm; hệ thống dịch vụ hậu cần, tiêu thụ, chế biến phát triển; sản phẩm đã tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất Việt Nam, song năng suất vẫn thấp hơn so với khu vực ĐBSCL và cả nước. Đến nay, Cà Mau chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để chống lại tác động của tự nhiên đến nuôi trồng thủy sản. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi còn dàn trải nên chưa phát huy hết hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản Cà Mau còn tồn tại nhiều hạn chế như: chất lượng con giống đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ thấp; việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân còn chú trọng về số lượng mà xem nhẹ chất lượng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu…
Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp khiến nghề nuôi tôm công nghiệp gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, nhiều hộ dân mới thu hoạch xong, đang trong thời gian cải tạo lại ao nuôi. Gần 300 ha ao tôm bị “treo”, vì thiệt hại từ những vụ nuôi trước nên người dân không còn đủ khả năng tái sản xuất. Thời điểm này đã bước vào mùa mưa, nên không thể phát triển thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp. Việc thiếu hụt vùng nuôi tôm chắc chắn gây ảnh hưởng đến sản lượng tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo nông dân tái sản xuất, đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh cải tiến nhằm bù đắp sản lượng thiệt hại, đồng thời xem đây là giải pháp thúc đẩy sản xuất và tháo gỡ khó khăn về nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến.
Liên kết để phát triển
Theo các nhà chuyên môn, điều quan trọng là phải xác định rõ những vùng có lợi thế, nhằm ưu tiên đầu tư vào nuôi tôm công nghiệp. Các ban ngành chức năng nên khuyến khích người dân nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch, đồng thời phối hợp với ban quản lý rừng phòng hộ để thuê đất nuôi tôm, lên kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Về lâu dài, các “nhà” nên liên kết chặt chẽ với nhau để phát triển bền vững nghề nuôi tôm công nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp đầu tư vốn, dân góp đất, công lao động và cùng chia sẻ lợi nhuận; cơ sở tổ chức sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao ra thị trường; các hộ, tập thể có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp tăng cường công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; củng cố, xây dựng mối quan hệ giữa các tổ hợp tác, HTX, vùng nuôi tôm công nghiệp và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cần ưu tiên đầu tư các dự án thủy lợi, điện 3 pha ở vùng nuôi tôm công nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất theo hướng có lợi cho nông dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng phương án nuôi tôm công nghiệp hiệu quả.
Những chính sách, cơ chế và giải pháp được triển khai trong thời gian tới sẽ là động lực quan trọng đưa ngành thủy sản Cà Mau, nhất là lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp phát triển ổn định và bền vững.