Theo nhiều người cho biết, so với những năm trước, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho nuôi tôm công nghiệp, đa số người nuôi đều đạt kết quả khá cao. Ông Phạm Thanh Bình (ấp Tân Tiến, xã Phong Điền) phấn khởi: “Bà con ở đây nuôi vụ đầu đa số đạt kết quả tốt, không gặp tình trạng tôm bệnh như mấy năm trước”. Ông Phạm Quốc Dũng, Bí thư Chi bộ ấp Tân Tiến, cho biết: Do sản xuất không hiệu quả nên diện tích NTCN trên địa bàn ấp giảm hơn so với trước. Hiện chỉ còn khoảng 50%, tuy nhiên hiệu quả khá cao, tỷ lệ hộ nuôi đạt trên 80%.
Ngoài thời tiết thuận lợi, một số hộ cũng đã đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình nuôi, chuyển sang các mô hình, đối tượng nuôi khác nên tỷ lệ thành công khá cao. Trong đó, nuôi luân vụ giữa tôm công nghiệp với các đối tượng khác như cua, cá các loại bước đầu mang lại kết quả, vừa giảm tỷ lệ rủi ro vừa mang tính bền vững trong quá trình sản xuất. Theo ông Nguyễn Hồng Minh (ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc) chia sẻ kinh nghiệm, sau khi thu hoạch vụ tôm công nghiệp thì thả cua hoặc nuôi lại vụ tôm quảng canh cải tiến, con cua sẽ ăn các chất cặn bã trong vuông, sau đó mới NTCN trở lại. Cách làm này tránh được tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi.
Ông Lê Hoàng Lân, cán bộ kỹ thuật xã Phong Lạc: “Nhìn chung, tình hình NTCN trên địa bàn hiện khá ổn định, có chiều hướng thuận lợi. Thời gian tới, bà con nên tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhất là thả con giống đúng theo lịch thời vụ, khi có xảy ra dịch bệnh trên tôm phải báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, tránh tình trạng để dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng chung đến nghề nuôi tôm”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, toàn huyện hiện có 786ha NTCN. Trong đó, diện tích đang thả nuôi hơn 340ha (chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng), diện còn lại bà con đang cải tạo để chuẩn bị thả con giống. Đây là tín hiệu vui từ nghề NTCN ở huyện. Tuy nhiên, để đảm bảo cho vụ nuôi thành công, nông dân cần theo sát những khuyến cáo của ngành chuyên môn.