Trước hết, ở lĩnh vực nuôi trồng, tỉnh Cà Mau tập trung vào 3 giải pháp. Thứ nhất là con giống phải được thông qua kiểm dịch trước khi thả nuôi; khuyến cáo bà con hạn chế tối đa nguồn giống trôi nổi không rõ nguồn gốc; Trung tâm Khuyến ngư sẽ cử cán bộ kỹ thuật giúp người dân trong khâu kiểm tra nguồn tôm giống. Thứ hai là khuyến khích ưu tiên một số hình thức nuôi, đó là nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, nuôi tôm công nghiệp quy mô vừa. Thứ ba là nuôi hình thức thâm canh như tôm - cá; tôm - rừng… vì đây là những hình thức nuôi hiệu quả và bền vững.
Về khai thác biển, năm 2016 tỉnh Cà Mau tập trung vào 2 giải pháp chủ yếu, một là ưu tiên khai thác xa bờ, từng bước xóa bỏ khai thác gần bờ. Để khai thác xa bờ đạt hiệu quả, tỉnh huy động đội tàu có công suất từ 90 CV trở lên, kết hợp với đóng mới để trở thành đội tàu mạnh. Thứ hai là đa dạng hóa sản phẩm biển, nếu như trước đây tập trung khai thác tôm thì hiện nay tập trung khai thác thêm nhiều loại cá, phấn đấu sản lượng khai thác năm 2016 đạt ít nhất là 250.000 tấn.
Năm 2015 tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt 500.000 tấn, bằng 98% kế hoạch đề ra, tăng 5% so với cùng kỳ. Nếu như sản lượng nuôi trồng đạt 300.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ thì sản lượng khai thác chỉ đạt 200.000 tấn. Song nhìn chung cả sản lượng nuôi trồng và khai thác cộng lại cũng cho thấy kinh tế thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2015 phát triển chậm chạp. Bởi Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới 290.000 ha, đoàn tàu đánh bắt thủy sản trên biển lên tới trên 4.000 phương tiện. Từ những con số trên cho thấy sự phát triển như vậy là chưa tương xứng. Từ đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau năm 2015 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với năm 2014 ./.