Chiến lược phát triển kinh tế biển, đô thị biển và vùng trọng điểm khu vực ÐBSCL đã và đang “kích thích” nền kinh tế Cà Mau từng ngày trở mình trên mảnh đất chín rồng.
Từ các công trình trọng điểm
Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (2011-2015), tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt trên 15.200 tỷ đồng, bình quân hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Những nguồn đầu tư này đã giúp Cà Mau luôn có nền kinh tế tăng trưởng ổn định, toàn diện, tốc độ bình quân 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Năm 2015, GRDP đạt 33.640 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 1.600 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD.
Là điểm tiếp cận với các nền kinh tế năng động trong khối Ðông Nam Á, Cà Mau đang tiếp tục "trải thảm đỏ" thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực: thuỷ sản, hạ tầng, công nghiệp điện gió dầu khí và du lịch. Song hành với đó, những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư của Chính phủ, chú trọng đặc biệt tăng cường đầu tư nhiều công trình trọng điểm vào khu vực ÐBSCL, Cà Mau đang tiến hành nâng cấp cảng hàng không (sân bay), cảng biển (Hòn Khoai, Năm Căn).
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đến nay được quan tâm đầu tư thông suốt, tạo mối liên hoàn với các tỉnh, vùng lân cận. Một số dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo sự đột phá trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hoá và nhu cầu đi lại của Nhân dân (tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi; cầu Hoà Trung trên tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi; đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; cầu Gành Hào 2; cầu Năm Căn, cầu Ðầm Cùng; các cầu trên tuyến Quốc lộ 63; tuyến đường hành lang ven biển phía Nam...).
Hiện tại, từ Cà Mau đi Cần Thơ, ngoài Quốc lộ 1 còn thêm tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, rút ngắn khoảng cách trên 40 km và thời gian vận chuyển. Tuyến Quốc lộ 1, đoạn Cà Mau - Năm Căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành đã nối liền huyện Ngọc Hiển với TP Cà Mau và các địa phương phá thế ốc đảo.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Ðầu tư, các công trình trọng điểm quốc gia: Khu công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm; đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn; đường hành lang ven biển phía Nam (Xuyên Á) đã đưa vào vận hành hiệu quả giúp Cà Mau ngày càng có nhiều điều kiện hơn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng. Song song đó, tỉnh đã quy hoạch khép kín hệ thống thuỷ lợi với 23 tiểu vùng, đang tập trung đầu tư khép kín 8 tiểu vùng thuỷ lợi và triển khai đầu tư nâng cấp đê biển Tây.
Ðánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cà Mau có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh (8%/năm). Từ một thị xã sau ngày tái lập (1/1/1997), nay đã là thành phố đô thị loại II năng động. Song song đó, các thị trấn Năm Căn, Sông Ðốc, cửa biển Khánh Hội, Ông Trang đang hình thành dãy hành lang đô thị biển sầm uất.
Tương lai trên nền tảng bền vững
Kết cấu hạ tầng nông thôn mang diện mạo mới, đến nay, tỉnh có trên 4.000 km đường giao thông nông thôn bằng bê-tông phục vụ cho đi lại và trao đổi hàng hoá. Lồng ghép với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang phát huy tác dụng vực dậy tiềm năng vùng nông thôn.
Ðến nay, Chính phủ đã đồng ý kiến nghị, đưa vào quy hoạch nâng cấp đoạn đường từ TP Cà Mau đến huyện Năm Căn, dài 54 km, để phục vụ vận chuyển hàng hoá cảng Hòn Khoai (giai đoạn 2017-2020), với vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Sau khi nâng cấp, đây sẽ là đoạn đường cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế trong tương lai.
Thông xe cầu Năm Căn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: THANH QUANG
Ngày 4/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng tỉnh Cà Mau có nền kinh tế - xã hội phát triển đạt mức khá trong vùng.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó, xác định nhiều nhiệm vụ then chốt: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hằng năm 7-7,5%; giai đoạn 2021-2025 tăng 7%; giai đoạn 2026-2030 tăng 6,9%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD; năm 2025 đạt khoảng 4.400-4.500 USD, năm 2030 khoảng 6.800-6.900 USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 30% GRDP; giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt khoảng 28% GRDP; giai đoạn 2026-2030 bình quân đạt khoảng 26-27% GRDP. Phát triển hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thuỷ, đường biển và đường hàng không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư các công trình kết nối liên vùng.
Ðồng thời, quyết định phê duyệt còn nhấn mạnh: tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Năm Căn, thu hút đầu tư cảng biển Hòn Khoai, cảng sông Ông Ðốc, đáp ứng yêu cầu vận tải đường biển; triển khai đầu tư các cảng khách Cà Mau, Năm Căn, Ông Ðốc, cảng chuyên dụng khí - điện - đạm Cà Mau. Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đến năm 2020 đạt 37%, năm 2025 lên 42% và năm 2030 đạt 50%. Mở rộng, nâng cấp các đô thị hiện có, xây dựng một số trung tâm xã, các cụm kinh tế có tiềm năng hình thành một số đô thị mới ở những nơi có điều kiện đáp ứng vai trò lan toả, phát triển, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng phát triển 3 đô thị động lực của tỉnh gồm: TP Cà Mau, đô thị Năm Căn và đô thị Sông Ðốc. Ðề án cũng đưa ra tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện quy hoạch khoảng 570 ngàn tỷ đồng.
Ðể triển khai đầu tư xây dựng một kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư không nhiều và trong điều kiện ngân sách của tỉnh Cà Mau còn khó khăn là một trong những thách thức lớn.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, trong thời gian tới, Cà Mau phải huy động ngày càng nhiều đầu tư của xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hoá việc đầu tư, thực hiện đa dạng hoá hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế. Tranh thủ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đưa danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Vận động, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng như: cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Nhà máy Ðiện Cà Mau 3, đầu tư hạ tầng khu kinh tế và các khu công nghiệp./.
Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Cà Mau đến năm 2020 gắn kết trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Chiến lược biển Việt Nam. Song song đó, Cà Mau đang ưu tiên đầu tư vào các ngành, lĩnh vực: xây dựng cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản, khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm thương mại... Ðồng thời khuyến khích ưu tiên doanh nghiệp đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại năng lượng sạch như hệ thống nhà máy điện gió, nuôi trồng thuỷ sản sinh thái... đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.