Tổ hợp tác Nuôi tôm công nghiệp ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân được đánh giá là một trong những tổ làm ăn có hiệu quả trong thời gian qua. Ban đầu tổ có 12 thành viên. Tuy nhiên, do lúc đầu chưa xác định được phương hướng hoạt động, nên qua mấy năm, có 6 thành viên xin ra khỏi tổ.
Hỗ trợ nhau sản xuất
Với quyết tâm của mình, 6 thành viên còn lại đi tham khảo các nơi khác và tập trung chấn chỉnh hoạt động. Hiệu quả bước đầu mà các tổ đem lại là hỗ trợ tốt về vốn để sản xuất; trao đổi, tiếp thu về kỹ thuật và cùng chọn con giống, vật tư đầu vào để giảm chi phí sản xuất. Ðến nay, tổ đã góp vốn trên 60 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ xoay vòng trong hội viên, nhất là hội viên gặp thất bát trong sản xuất, chủ yếu chi phí về con giống.
Theo ông Mai Minh Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm công nghiệp ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, thì nuôi tôm có khi thành công, có khi thất bại. Khi thất bại thì đôi khi vốn không còn. Vì vậy, trước mắt, tổ hỗ trợ theo hình thức cho vay xoay vòng bằng lãi suất ngân hàng. Về kỹ thuật thì người biết hướng dẫn người chưa biết để cùng nhau thực hiện mô hình chung. Ví như năm nay, bà con cùng nhau thực hiện mô hình xi-phông đáy, xây dựng lại ao đầm đúng quy trình có ao lắng, ao chứa thải.
Liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác còn là điều kiện tốt để cùng nhau rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình đồng loạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phát huy hiệu quả. Trong đó, có quy định ràng buộc lẫn nhau để đảm bảo thực hiện đúng quy trình sản xuất. Ông Mai Minh Thông cho biết thêm, vào tổ còn có cái lợi, chẳng hạn tổ hợp đồng với doanh nghiệp, cùng mua vôi, cùng mua giống, giảm được giá mà còn có thể mua chịu đến hết vụ mới thanh toán.
Ông Trương Hoàng An, Tổ hợp tác Nuôi tôm công nghiệp ấp Hưng Hiệp cũng khẳng định, việc đồng loạt thực hiện xi-phông đáy ao nuôi như vậy cải thiện môi trường ao nuôi thấy rõ, giúp bà con nuôi tôm hiệu quả.
Từ những hoạt động thực tế này, thời gian qua, các thành viên trong tổ sản xuất đều có lãi. Mỗi thành viên nuôi bình quân 2 đầm, mỗi đầm trung bình 2.000 m2, có đầy đủ ao lắng, ao vèo. Năm 2015 là năm khó khăn nhất của người nuôi tôm công nghiệp, nhưng do liên kết sản xuất nên 6 thành viên của tổ vẫn có lời hơn 1 tỷ đồng.
Ðây được đánh giá là tổ hợp tác hoạt động hiệu quả nhưng trên thực tế, hoạt động của tổ này cũng như một số tổ có hiệu quả khác cũng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhau về giống, vốn và kinh nghiệm sản xuất. Yếu tố quan trọng nhất là khâu sản xuất đồng loạt chưa thể thực hiện được. Từ đó, không thể liên kết nhau để giảm chi phí đầu vào, tăng giá cả đầu ra.
Theo đó, người dân vẫn chưa được sự hỗ trợ tích cực, đồng bộ từ việc liên kết 4 nhà. Chính vì thế, nhiều hộ dân không mặn mà lắm với việc tham gia vào tổ. Bởi theo nhiều bà con, vào tổ là để được hưởng quyền lợi chứ chưa thấy được trách nhiệm của mình. Một khi quyền lợi không đáp ứng thì họ tự động xin rút lui.
Một số tổ hợp tác, lúc đầu “liên” các thành viên lại với nhau, nhưng cuối cùng, "kết" là tan rã. Nhiều tổ được thành lập để đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới, trong khi nhiều người dân chưa có tính tự nguyện và cũng không hiểu hết ý nghĩa của việc liên kết làm ăn hợp tác. Tự ai nấy làm, thậm chí nhiều quan điểm trái ngược nhau. Theo đó, tính bền vững chưa cao do nhiều tổ chưa có hình thức hoạt động để liên kết thành viên, dẫn đến nhiều tổ thành lập nhưng không duy trì được hoạt động.
Xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân có 11 tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 5 tổ hoạt động. Trong số còn lại này có 2 tổ hoạt động hiệu quả, 1 tổ trung bình và 2 tổ hoạt động yếu kém.
Cần được sự hỗ trợ tích cực
Tổ hợp tác Nuôi tôm công nghiệp ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây được thành lập gần 3 năm nay nhưng không có hoạt động gì. Ông Nguyễn Bình Minh, Tổ trưởng, cho rằng sự nhiệt tình, đoàn kết của bà con không có. Tổ hợp tác này thành lập lại nằm ngoài vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Do đó, bà con đề xuất áp giá điện, rồi hỗ trợ chlorin khi có dịch nhưng không được đáp ứng nên bà con cho rằng vào tổ không có lợi gì, không tha thiết với tổ nữa.
Thực tế, việc đánh giá hoạt động của tổ hợp tác sản xuất thời gian qua cũng chỉ dựa vào hiệu làm ăn của phần đông hộ thành viên chứ chưa tính đến các yếu tố khác, ví như việc điều hành của tổ. Phần lớn tuy vào tổ sản xuất nhưng sản xuất thì do ý chí của từng hộ, đôi lúc mang tính hên xui, mùa vụ.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, muốn cho tổ hợp tác sản xuất phát triển, các ngành chức năng có liên quan cần quan tâm hơn nữa việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Ðặc biệt là phải có liên kết giữa 4 nhà thật chặt chẽ. Người dân hiện đang tự “bơi” và gần như chưa tìm được hướng đi tốt cho tổ việc liên kết sản xuất.
Tổ hợp tác là nền tảng để người dân liên kết và nâng cao hiệu quả sản xuất, không chỉ hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật… mà là áp dụng một quy trình sản xuất khoa học, phù hợp xu thế phát triển. Qua đó sẽ nâng cao chất lượng và giá cả sản phẩm, khả năng cạnh tranh, bước vào sân chơi lớn. Vì vậy, trong khi người nông dân đang loay hoay chưa có hướng đi thì rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để tổ hợp tác không chỉ là 1 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà quan trọng hơn hết là hướng tới nền sản xuất hiện đại, bền vững./.
Huyện Phú Tân hiện có 127 tổ hợp tác sản xuất, với 2.130 tổ viên. Song, qua rà soát, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác chưa cao. Số tổ hợp tác hiện tại đã giảm 32 tổ so năm 2014. Trong số tổ hợp tác còn lại, có hơn 35% hoạt động không hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Phần lớn người dân chưa thay đổi được quan niệm sản xuất nhỏ lẻ, tự ai nấy làm. Từ đó, sợi dây liên kết trong tổ chưa cao. Ðây là một rào cản trong hoạt động liên kết sản xuất thời gian qua.