Theo người dân, do mùa mưa năm 2017 kéo dài, cộng với mưa trái mùa thường xuyên nên bà con thuận lợi trong sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, năng suất bình quân hơn 4,5 tấn/ha. Nhờ sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm mà những tháng đầu năm 2018 tôm nuôi quảng canh của bà con đạt kết quả khá cao.
Ông Hồ Thanh Đê ở ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, có 8 công đất sản xuất. Vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa qua ông thu hoạch được 25 giạ/công. Nhờ làm lúa có gốc rạ nên tôm nuôi của gia đình ông cũng phát triển khá tốt, trung bình mỗi ngày thu hoạch vài trăm ngàn đồng.
Ông Hồ Thanh Đê phấn khởi cho biết: "Sau khi thu hoạch lúa xong, tôi thả tôm nuôi. Tôm phát triển rất tốt. Mấy năm trước, do không làm lúa được nên nuôi tôm cũng dở lắm".
Ngoài hộ ông Hồ Thanh Đê, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Phong Lạc cũng gặp thuận lợi trong vụ tôm nuôi đầu năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, cho biết: "Tình hình nuôi tôm của bà con sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay rất khả quan, ổn định hơn năm 2017. Thời tiết khá thuận lợi, cộng với việc bà con sạ lúa nên môi trường nước đảm bảo cho tôm nuôi phát triển".
Không chỉ có mô hình nuôi tôm quảng canh đạt hiệu quả, thời gian qua, các mô hình nuôi tôm khác ở huyện Trần Văn Thời cũng phát triển ổn định. Nhờ vậy, sản lượng tôm nuôi trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đạt hơn 1.500 tấn.
Ông Lê Hoàng Lân, cán bộ Khuyến nông - Khuyến ngư xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, khuyến cáo: "Theo dự báo của ngành chuyên môn, năm nay có những cơn mưa trái mùa; trong quá trình đó nhiệt độ trong nước phân tầng khá nhiều, ảnh hưởng đến thiếu ôxy cục bộ trong ao nuôi. Khuyến cáo bà con nên sử dụng vôi, kết hợp với vitamin C khi trời sắp mưa để hạn chế phân tầng nước và chống sốc cho tôm nuôi. Đặc biệt, bà con nên sử dụng một số men vi sinh, chế phẩm sinh học định kỳ để hạn chế chất hữu cơ trong nước gây tảo".