Trà Cổ có nguồn nước khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản do nước chảy từ trong các đồi đá ra nên không bị ô nhiễm và rất mát.
* Đam mê cá lạ
Năm 2012, mô hình nuôi cá tầm được Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú triển khai tại 3 xã: Thanh Sơn, Phú Sơn và Trà Cổ. Tại xã Thanh Sơn, cá được nuôi theo mô hình nuôi bè với diện tích 50m2 dưới lòng hồ Đa Tôn. Hai xã Phú Sơn và Trà Cổ, nông dân nuôi cá theo hình thức lót bạt dưới đáy ao cũng có diện tích 50m2. Tuy nhiên các mô hình đều thất bại, 100% cá tầm tại xã Thanh Sơn bị chết ngay trong tháng đầu tiên, 70% cá tại xã Phú Sơn chết sau 3 tháng. Tại ao nuôi của anh Hòa, cá cũng chết hơn một nửa.
Trong khi mọi người chào thua thì anh Hòa lại quyết tâm lao theo chinh phục loại cá này. “Trước đây, gia đình chỉ nuôi cá diêu hồng, khi nuôi thử cá tầm thấy loại cá này lạ, có giá trị kinh tế cao, nếu nuôi thành công sẽ đánh dấu một bước chuyển mới trong nuôi trồng thủy sản ở đây” - anh Hòa tâm sự.
Cá chết đến đâu, anh lại mua cá giống bổ sung vào đến đó và mày mò nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến cá chết. Cá tầm giống thời điểm anh mua không hề rẻ, tới 600 ngàn đồng/con chỉ bằng ngón tay.
* Xây hồ lạnh cho cá
Việc cá chết liên tục đã làm anh Hòa mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Qua kiểm tra, độ lạnh nguồn nước từ 270C trở xuống là hoàn toàn đạt. Đặc điểm nuôi loại cá này là nước phải chảy và luôn mát mẻ. Nguồn thức ăn anh cũng cho đúng như hướng dẫn, thế nhưng cá phát triển chậm, tỷ lệ hao hụt vẫn cao. Hơn nửa năm trời, anh Hòa mới tìm ra nguyên nhân cá chết do việc vệ sinh hồ nuôi không được sạch vì sử dụng bạt nhựa lót đáy ao. Anh quyết định xây hẳn một hồ cá bằng gạch rồi chuyển cá sang nuôi, điều đó đã mang lại hiệu quả, cá không còn chết và tăng trọng cũng nhanh hẳn.
Anh Hòa cho biết với cách làm cũ, việc vệ sinh cho hồ cá rộng 50m2 cực kỳ khó khăn, thức ăn len lỏi vào bên trong các khe bạt nên không thể vệ sinh hết, đây cũng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm làm cho cá chết. 300 con cá ban đầu trong thời gian nuôi ở hồ đã chết một nửa, từ khi chuyển sang nuôi bằng hồ gạch, cá đã không còn chết kể cả số cá nhỏ thả bổ sung sau này. Hồ cá được anh Hòa thiết kế có độ dốc 300 để thức ăn thừa và chất thải của cá dễ dàng trôi ra ngoài. Không chỉ vậy, mỗi tuần anh dọn vệ sinh hồ cá một lần, bởi loại cá khó tính này phải ở môi trường nước thật sạch mới sinh trưởng được.
Từ khi chuyển đổi nuôi cá bằng hồ xây, cá không hao hụt mà còn tăng trọng nhanh nhờ anh cho cá ăn thêm được nhiều loại thức ăn khác ngoài cám, như: tôm, tép và giun đất. Loại thức ăn bổ sung này giúp anh giảm được một phần chi phí đầu vào. Hiện tại, sau hơn 1 năm nuôi những con cá lớn trong hồ của anh lên đến 3,5 kg/con. Anh Hòa đã là người đầu tiên “chinh phục” được loại cá lạ này ở đất Trà Cổ, Tân Phú.