Cá thác lác sông Đăk Bla

Sông mẹ Đăk Bla ngày trước thuần là cá “trời”, chủ yếu với các loại cá lóc, cá rô, cá siêu, cá bống… Sau này, khi lòng hồ thủy điện Ya Ly, thủy điện Plei Krông được hình thành, nơi này cũng dần thêm các loại rô phi, trắm, chép… Riêng thác lác, lâu giờ vẫn là cá sông tự nhiên, thuộc hàng “đặc sản”.

Sông Đăk Bla
Sông Đăk Bla dồi dào cá tôm. Ảnh: N.H

Plung đang hướng vào bờ. Sau mấy ngày rả rích, sáng nay, trời đã tạnh. Người đàn ông người tầm thước, da nâu sạm khua thêm vài mái chèo cho mũi plung ghé sát bờ. Ở đó, chị vợ chờ sẵn, nhanh chân chạy đến sát mép nước. Chị nhoẻn cười, nói với anh một câu tiếng Ba Na, rồi ghé sang tôi, bảo: “Hỏi ổng hôm nay có được cá không đó”. Lặng gió, tiếng chị rõ mồn một.

Chưa kịp thấy tôi gật đầu, chị đã nhẹ nhàng bước lên lòng plung, dang tay giữ thăng bằng. Trong khi anh chậm rãi xuống nước, bám vào thành chiếc plung để neo vào bờ, chị nhẩn nha kéo cái túi lưới nằm bên mạn thuyền. Có vẻ nặng tay.

Lưới hôm nay “được cá”. Vẫn là một mớ lộn xộn cả trắm, chép, rô phi…, nhưng mẻ này có vẻ nhiều thác lác hơn mọi lần. Những con thác lác trắng dẹt,  thuôn dài, mắt tươi ánh, được đổ ra nền đất vẫn còn giãy nhảy. Tôi phụ chị một tay, lựa những con thác lác thân bè bè, dài chừng hơn một gang tay sang chiếc rổ nan thưa. “Thích không? Nhiêu đó đủ chưa?…”- chị lại cười.

Đúng là cá sông Đăk Bla! Thác lác món ngon, “khoái khẩu”, nhưng tận mắt thấy cá tươi từ dưới sông lên thì với tôi, đây mới là lần đầu.

Chị bảo, sông mẹ Đăk Bla giàu cá tôm lắm. Vợ chồng chị ở với nhau đã hơn 20 năm. Thuở con gái, nhà chị không có anh em trai nên mấy chị em chẳng ai biết nghề chài lưới. Đến khi lấy chồng, anh lại là người giỏi tay chèo và thả rớ thả lưới nên chị cũng thành người của sông nước. Thường thì anh đi sông một mình, nhưng thỉnh thoảng, chị cũng theo chồng đi thu cá. Cá được đến đâu, bán ngay đến đấy.

Sông mẹ Đăk Bla ngày trước thuần là cá “trời”, chủ yếu với các loại cá lóc, cá rô, cá siêu, cá bống… Sau này, khi lòng hồ thủy điện Ya Ly, thủy điện Plei Krông được hình thành, nơi này cũng dần thêm các loại rô phi, trắm, chép… Riêng thác lác, lâu giờ vẫn là cá sông tự nhiên, thuộc hàng “đặc sản”. Ngày trước, thác lác trong lòng Đăk Bla khá to, bình thường cỡ năm ba lạng một con. Bây giờ, nhỏ hơn, chừng một, hai lạng một con thì phổ biến.

Thác lác sông màu trắng bạc, đuôi nhỏ, miệng rộng, phủ một lớp vảy lấm tấm dày. Để ý một chút như vậy, nhằm phân biệt với loại thác lác nuôi, màu trắng ngà sậm hơn và trên mình có “hoa” là những chấm tròn nhỏ màu đen viền trắng nằm về phía gần đuôi. Thác lác nuôi lồng bè hay trong ao được nhân giống từ loại thác lác cườm có trong tự nhiên, hình thù không lẫn.

Thác lác đầu nhỏ, khoang mang bé, nên thường bơi sát mặt nước, mình lật ngửa để thuận cho hô hấp. Nó thường kiếm ăn vào chiều, tối và ban đêm nên thời gian này cũng là lúc để những dân chài trên sông Đăk Bla thả lưới đánh bắt. Chị bảo, mùa mưa, nước lớn chính mùa cá thác lác.

Thác lác dễ chế biến, cá tươi chẳng cần đánh vảy mà chỉ rửa sạch, bỏ mang. Để nguyên con, dùng dao bén khứa ngang mình cá (dọc theo sống lưng), sau đó, lấy chiếc muỗng để nạo lấy phần thịt cá. Có thể dùng cối giã nhẹ, hay đơn giản hơn là bọc cá vào bì nilon rồi dùng tay lăn nhồi… Dù là cách nào, thì trước khi “quết” nhuyễn, thịt cá thác lác cũng phải được nêm gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi, muối, đường, bột ngọt) cho thấm tháp, dai ngon.

Thác lác là cá “đặc sản”, có thể chế nhiều món ngon, bổ dưỡng. Thác lác sông Đăk Bla lại càng ngon hơn.

Bình thường mà hấp dẫn, phải kể đến canh chua. Cá thác lác sau khi đã nhuyễn dẻo được viên thành viên, hoặc dùng muỗng “dích” thành từng cục nhỏ, thả vào nồi nước sôi; sau đó mới “chêm” các loại đồ nấu gồm thơm, cà chua, bạc hà, đậu bắp… và nêm thêm hành, ngổ (hay thì là)… Cá thác lác chín dai, vị ngọt, thơm ngon… Với bọn nhỏ, cá thác lác chiên là món “khoái khẩu”. Cách làm khá đơn giản, thác lác đã nêm gia vị và dẻo nhuyễn nặn thành viên tròn, lăn qua chút dầu ăn cho khỏi dính bết nhau, thả vào chảo dầu sôi, để lửa liu riu, chín vàng hấp dẫn.

Đơn sơ, bình dị, nhưng thác lác nhồi khổ qua lại là món không chỉ có trong bữa cơm hàng ngày mà còn ở các bữa giỗ, tiệc. Khổ qua trái lấy hết ruột được nhồi vào đầy khít thịt cá thác lác dẻo nhuyễn đã được tẩm ướp vừa miệng. Khi “áo” khổ qua chín mềm cũng là lúc nước hầm đã ngọt lừ, mà miếng cá thác lác bên trong vẫn dai ngon, thanh mát.

Mùa mưa là mùa của cá thác lác. Chị bảo, trong lòng hồ thủy lợi, thủy điện bây giờ, đã có người làm lồng bè thả nuôi, nhưng trên dòng Đăk Bla đang vào kỳ nước dâng, vợ chồng chị và  bà con trong làng vẫn miệt mài thả lưới, đặt đơm đặt đó.  

Cá sông giúp mọi người thêm ấm thêm no. Thác lác giúp nhiều nhà thêm vui thêm mừng.

Báo Kon Tum
Đăng ngày 21/09/2020
Nghĩa Hà
Nông thôn

Giới thiệu cho ngư dân về một số thiết bị mới trong khai thác thủy sản

Ngày 24/10/2024, tại phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn), Trung tâm Khuyến nông Bình Định tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 70 ngư dân khai thác thủy sản của các phường Hoài Hương, Hoài Thanh và xã Hoài Hải về một số thiết bị mới trong khai thác thủy sản.

Các cơ quan chuyên môn
• 13:55 29/10/2024

Tập trung chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định.

Cá điêu hồng
• 10:34 21/10/2024

Nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm

Nhằm tận dụng tiềm năng dồi dào nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Nuôi lồng bè
• 15:18 17/10/2024

Khám phá lồng bè nuôi cá chục tỷ ở lòng hồ thủy điện Bản Chát Lai Châu

Lồng bè nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Bản Chát, Lai Châu đã trở thành một mô hình kinh tế quy mô lớn và mang lại hiệu quả cao cho người dân địa phương.

Nuôi lồng bè
• 10:38 04/10/2024

Các loại thức ăn giúp thúc đẩy sự phát triển của tôm thẻ chân trắng

Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng cần lưu ý trong quá trình nuôi tôm, so với các nhu cầu khác của ao thì chi phí thức ăn chiếm 40 – 70% chi phí sản xuất.

Động vật phù du
• 03:37 09/11/2024

Cảnh báo về cơn bão Yinxing cho người dân nuôi trồng thủy sản

Sáng ngày 8/11/2024, cơn bão Yinxing chính thức đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 của năm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là một trong những cơn bão mạnh nhất năm nay, với sức gió vùng gần tâm bão đạt cấp 14 (từ 150 đến 166 km/h), giật đến cấp 17

Bão
• 03:37 09/11/2024

Xuất khẩu tôm của Ecuador giảm mạnh trong tháng 9

Theo báo cáo mới nhất từ Phòng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador trong tháng 9/2024 đã giảm đáng kể do nhu cầu suy giảm từ các thị trường quan trọng, đặc biệt là châu Á. Cụ thể, lượng xuất khẩu giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức sụt giảm đặc biệt rõ rệt ở các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Tôm thẻ chân trắng
• 03:37 09/11/2024

Lạm dụng hóa chất trong nuôi tôm

Sử dụng hóa chất có thể giúp phòng bệnh và tăng năng suất tạm thời, nhưng việc lạm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tôm, môi trường và người tiêu dùng. Vậy lạm dụng hóa chất trong nuôi tôm là gì, nguy cơ từ nó ra sao và làm thế nào để giảm thiểu vấn đề này?

Tôm thẻ chân trắng
• 03:37 09/11/2024

Quản lý chất thải trong ao nuôi tôm

Nuôi tôm thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt đạm và phốt pho. Thức ăn tôm dư thừa và phân tôm là nguyên nhân làm tăng hàm lượng chất thải hữu cơ rắn và lơ lửng trong ao.

Cải tạo ao nuôi
• 03:37 09/11/2024
Some text some message..