Người tiêu dùng nước Đức cũng ưa chuộng cá tra philê đông lạnh hơn cá tra philê bao bột.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Đức tháng 1/2013 đạt 5,9 triệu USD, tăng 35,7% so với tháng 1/2012, tăng lần đầu tiên sau 12 tháng liên tục sụt giảm trong năm 2012. Tại Đức, ước tính 70-75% lượng cá tra được tiêu thụ tại phân khúc bán lẻ và 25-30% còn lại được bán trong phân khúc dịch vụ thực phẩm.
Trong các năm trước đây, xuất khẩu cá tra sang Đức liên tục tăng nhưng bắt đầu sụt giảm từ giữa năm 2010 đến nay khi một số phương tiên truyền thông của Đức bêu xấu cá tra Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng nước này mất niềm tin vào cá tra. Một số tập đoàn bán lẻ cũng tạm ngừng nhập khẩu và cung cấp cá tra trong mạng lưới siêu thị.
Hình ảnh cá tra hiện vẫn chưa được cải thiện cũng như chưa có đầu tư quảng cáo cho sản phẩm cá tra tại thị trường này. Theo các nhà nhập khẩu Đức, việc lấy lại hình ảnh cá tra mắt người tiêu dùng Đức rất quan trọng nhằm khôi phục vị trí của cá tra trên thị trường này.
Tính đến cuối tháng 2/2013, có 14 doanh nghiệp cá tra đạt chứng nhận ASC1, trong đó có 8 doanh nghiệp nhận chứng nhận từ cuối năm 2012 với sản lượng chiếm khoảng trên 10% tổng sản lượng cá tra của cả nước. Ngoài ra, còn có 5 trại nuôi cá tra đang trong quá trình thẩm định để được chứng nhận ASC. Dự kiến năm 2015, sản lượng cá tra đạt tiêu chuẩn này sẽ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của cả nước.
Sản phẩm đạt chứng nhận bền vững đang ngày càng gia tăng trong phân khúc bán lẻ tại thị trường Đức. Theo dự báo của CBI, về lâu dài các nhà bán lẻ tại Đức nói riêng và Châu Âu nói chung sẽ chỉ bán cá tra đạt chứng nhận ASC.
Cũng giống như phân khúc bán lẻ, phân khúc dịch vụ thực phẩm cũng rất quan tâm tới sản phẩm bền vững. Một số tập đoàn lớn đã có trên 80% sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận. Tất cả các tập đoàn đều cho rằng họ quan tâm tới sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC và muốn có nguồn cung sản phẩm này.
Các nhà nhập khẩu cho rằng cá tra chỉ có thể có giá cao nếu đạt chất lượng tốt và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn hơn nhiều so với nguồn cung cấp.
1: ASC là viết tắt của Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản, một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) và IDH (Sáng Kiến Thương Mại Bền Vững Hà Lan) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với người nuôi cá, xoay quanh các vấn đề về môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe cá nuôi, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh.