Sau ba năm “nâng lên, đặt xuống”, hôm 4/2 vừa qua Thượng viện Mỹ đã thông qua Luât Nông trại 2008 với ngân sách trợ cấp cho các nông trại lên đến gần 1 tỷ USD.
Dự luật vừa được Thượng viện thông qua với 68 phiếu ủng hộ và 32 phiếu chống, dự kiến mức hỗ trợ 956 tỷ USD cho các nông trại ở Mỹ trong vòng 5 năm tới. Dự luật này đang chờ tổng thống Barack Obama ký trước khi đưa vào thực hiện.
Trong dự luật này có điều khoản chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp (USDA). Ðây được coi là hàng rào thương mại nhằm bảo vệ lợi ích người nuôi cá da trơn của Mỹ nhưng gây khó cho cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam bởi khi USDA tiếp quản chức năng này thì cơ quan này sẽ áp dụng những tiêu chuẩn gắt gao hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu tương đương như áp dụng cho các sản phẩm cá da trơn nội địa.
Điều khoản này do Hiệp hội Nuôi trồng Cá da trơn của Mỹ và các nghị sĩ các bang miền Nam nước Mỹ đưa vào Luật Nông trại 2008 và được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua mặc dù một số thượng nghị sĩ như John McCain phản đối kịch liệt. Họ cho rằng điều khoản này là một hàng rào kỹ thuật để bảo vệ những người nuôi cá da trơn Mỹ trước những sản phẩm nhập khẩu, mà chủ yếu là từ Việt Nam.
Trong khi đó, những người ủng hộ dự luật lại cho rằng những quy định của USDA sẽ giúp nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở quốc gia này.
Trước đây, FDA có chức năng giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có cá da trơn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nuôi trồng Cá da trơn của Mỹ thì FDA chỉ tiến hành kiểm tra 2% trong số hàng triệu tấn thủy sản nhập khẩu vào Mỹ năm 2008, trong đó có cá tra.
Trước đó, ngày 21/1, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận thông tin Nga đã thông báo tạm ngưng nhập khẩu cá tra đông lạnh từ 7 công ty của Việt Nam kể từ ngày 31/1.
Hiện nay, đa số cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được nuôi trồng ở vùng chiêm chũng thuộc các tỉnh ĐBSCL. Mặc dù đã đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu nhất định, song để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe tương đương với tiêu chuẩn USDA áp dụng cho các sản phẩm cá da trơn nội địa thì sẽ là thách thức lớn cho ngành cá da trơn Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam đang chiếm hơn 90% thị phần xuất khẩu cá tra trên thế giới, trong đó Mỹ và EU là hai thị trường nhập khẩu chính.