Cách đây khoảng 10 năm, chỉ có 1 công ty thuê mặt nước hồ để nuôi cá tầm, cá lăng. Nhận thấy hiệu quả từ con cá, một số nông hộ cũng thuê một phần diện tích mặt hồ để thả cá nước ngọt. Anh Lê Trung Hiếu, ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh đã thuê 5 ha diện tích mặt nước trên hồ và đặt lồng nuôi cá. Hiện lồng bè của anh là lồng bè lớn nhất hồ Kala, đồng thời cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Khác với những trại cá ở những hồ đập khác, anh Hiếu dành 2.500 m2 mặt nước để đặt lồng và đặt theo hình chữ nhật, chừa không gian rất rộng giữa các lồng cá và khu vực nước hồ xung quanh. Theo anh, làm như vậy để dòng nước được lưu thông, cá có môi trường sinh sống gần với tự nhiên nhất, không bị tù túng dễ dẫn tới dịch bệnh. Anh Hiếu cho biết, nước hồ Kala trong, sạch, độ sâu tốt, nhiệt độ hơi thấp, thích hợp với nuôi cá rô phi và diêu hồng. Như trại cá nhà anh cũng thả chủ yếu là rô phi và một phần cá diêu hồng.
40 lồng cá tại trại cá của anh Lê Trung Hiếu đều được đánh số thứ tự và phân chia theo các khu nuôi A, B, C để dễ quản lý và chăm sóc. Cá ở lứa tuổi nào, cho ăn lượng bao nhiêu, dùng loại cám nào..., đều có hồ sơ quản lý theo khu để không nhầm lẫn, sai sót trong chăm sóc. Mỗi 1 lồng cá được thả khoảng 5.000 con cá giống. Cá giống bằng đầu đũa được thả, sau 4-5 tháng cho thu hoạch với trọng lượng từ 1-1,5 kg/con. Sau khi thu hoạch cá, lồng bè được vệ sinh, để nước tự nhiên phục hồi sau đó thả tiếp lứa mới. Trung bình một năm, lồng nuôi được hai lứa cá. Sản lượng cá mỗi năm ở trại cá của anh Hiếu khoảng 100 tấn và được bán chủ yếu ở thị trường trong tỉnh với mức giá từ 35 - 40.000 đ/kg.
Là vùng nước thuận lợi cho việc thả cá, vì vậy chất lượng cá ở Di Linh luôn được đánh giá khá cao. Những lồng cá rô phi, cá diêu hồng như thế này luôn được chú trọng đến khâu vệ sinh, chăm sóc. Anh Lê Trung Hiếu cho biết: “Nuôi cá trên hồ Kala có nhiều thuận lợi, mặt hồ rộng, nước sâu. Tuy nhiên, người nuôi cũng phải chú trọng vào việc vệ sinh, cho cá ăn với mức độ vừa phải, không để thức ăn thừa ra môi trường, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng xấu đến độ sạch của nước. Cá dễ nuôi nhưng rất chú trọng tới môi trường nước, nước sạch là cá mau lớn, nước dơ cá sẽ bị bệnh, chậm lớn, thậm chí chết hàng loạt”. Chính vì thế, người nuôi cá trên hồ Kala thường dùng các loại lá cây có tính kháng sinh cao như lá xoan, lá thuốc bó thành từng bó rồi thả xuống lồng cá. Làm như vậy vừa tiết kiệm, lại vừa hiệu quả trong phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá, không phải sử dụng nhiều thuốc ảnh hưởng tới môi trường nước.
Anh K’Brao, khuyến nông viên xã Bảo Thuận, huyện Di Linh cho biết, hiện khu vực hồ Ka La chỉ có 2 hộ dân có hợp đồng nuôi cá trên lòng hồ với tổng hơn 60 lồng cá và 1 công ty có hơn 200 lồng cá nuôi cá tầm. Mật độ nuôi không quá dày và nguồn nước sạch nên đàn cá phát triển rất tốt. Bảo Thuận xác định nuôi cá là hướng đi hiệu quả đồng thời luôn khống chế lượng lồng bè, giữ môi trường nước hồ Kala trong sạch.