Cá vàng, loài cá đáng thương nhất trên hành tinh của chúng ta

Cá vàng, một loài cá vô cùng quen thuộc với chúng ta, tuy nhiên ít ai biết được rằng đằng sau cái vẻ ngoài đáng yêu của chúng là cả một câu truyện dài.

thủy bao nhãn
Cá vàng thủy bao nhãn với thân hình đa dạng, thậm chí dị dạng. Ảnh

Trong đời sống cư dân vùng đất liền, loài cá quen thuộc nhất có lẽ là cá vàng. Loại cá cảnh nhiều màu sắc này có thể làm đẹp thêm cho một căn phòng của bạn. Tuy nhiên, nếu cố tìm kiếm loài cá này trong tự nhiên thì có thể bạn sẽ liên tiếp gặp phải những sự thất vọng, bởi chúng là một loài cá nhân tạo. Và cũng chính vì loài cá nhân tạo nên nhiều đặc điểm của loài cá đã biến mất ở chúng, và đó cũng là lý do dù có được thả ra ngoài tự nhiên, chúng cũng không thể sống được.

cá vàng
Vì loài cá nhân tạo nên nhiều đặc điểm của loài cá đã biến mất ở cá vàng. Ảnh: Narcis Ciocan

Trên thực tế, từ các loại thức ăn cho đến vật nuôi, hiếm có sinh vật nào bị con người biến hóa một cách triệt để như cá vàng. Chúng đã được lựa chọn và lại tạo trong nhiều thế kỷ chỉ nhằm mục đích phục vụ mong muốn, sở thích và sự tưởng tượng của chúng ta. Từ những con cá bình thường và buồn tẻ trong quá khứ, nó đã phát triển thành những sinh vật có màu sắc sặc sỡ, thân hình đa dạng, thậm chí dị dạng.

Nhiều người cho rằng tổ tiên của cá vàng là cá chép hoặc cá koi, tuy nhiên, điểm chung duy nhất giữa chúng chỉ là sự hiền lành. Trên thực tế, tổ tiên của cá vàng là loài cá diếc hoang dã.


Hình thái ngoài của cá diếc - tổ tiên thật sự của cá vàng. Ảnh: Lukáš Jurek

Ngay từ năm 1928 đến năm 1934, giáo sư Chen Zhen ở Trung Quốc đã phát hiện ra một sự thật trong thí nghiệm lai tạo cá vàng: bất kỳ loại cá vàng nào cũng có thể được lai với cá diếc hoang dã và sinh ra những con cái có khả năng sinh sản. Thí nghiệm này lần đầu tiên chứng minh rằng không có sự cách ly sinh sản giữa cá vàng và cá diếc, và chúng có quan hệ họ hàng rất chặt chẽ với nhau. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành các nghiên cứu sâu hơn như so sánh sự phát triển của phôi thai và phân tích karyotype để chỉ ra rằng cá vàng ban đầu chính là loài cá diếc Trung Quốc. Về mặt phân loại, cá vàng không phải là một loài riêng biệt, thay vào đó chúng được xếp cùng loài với cá diếc (Carassius auratus).

Vậy đâu là yếu tố khiến cá diếc biến thành cá vàng? Câu trả lời của quá trình tiến hóa loài là "đột biến gen, chọn lọc tự nhiên", trong khi quá trình tiến hóa của cá vàng là "đột biến gen, chọn lọc nhân tạo". Điều này hoàn toàn giống với cách nuôi chó cảnh thông thường, nhưng việc lai tạo và nhân giống cá vàng của con người có phần cực đoan hơn. Sau hàng trăm năm được chọn lọc bởi người Trung Quốc, cá vàng đã mất đi tất cả đặc điểm ngoại hình của cá diếc. Từ màu sắc cơ thể, hình dáng thân, hình dạng đầu, hình mắt, vảy, lưng, đuôi, vây hậu môn,… về cơ bản chúng đã thay đổi hoàn toàn và có vẻ ngoài hoàn toàn khác biệt so với cá diếc.


Cá vàng hiện nay đã mất đi tất cả đặc điểm ngoại hình của cá diếc. Ảnh: 搜狐号@新赐爬界

Đột biến nguyên thủy nhất trong quá trình tiến hóa từ cá diếc thành cá vàng xảy ra ở màu sắc cơ thể. Trong vô số những con cá diếc bình thường, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện một con cá diếc vàng với màu sắc nổi bật. Theo các dữ liệu lịch sử hiện có, ghi chép sớm nhất về những con cá đột biến này là vào triều đại nhà Tấn của Trung Quốc (265-420 sau Công nguyên), cách đây 1.600 năm.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mọi người cho rằng đây là những con có đặc biệt, có thể liên quan đến những yếu tố tâm linh, nên mỗi khi bắt được chúng, họ thường phóng sinh và coi đó là một việc thiện, tích đức cho con cháu sau này. Đến thời nhà Đường, hành động này vẫn được tiếp tục, nhưng lúc này, mọi người đã xây những hồ phóng sinh đặc biệt (trong hồ phóng sinh có các sinh vật khác như rùa và cá chép vàng...), theo đó những con cá diếc vàng được vô tình đánh bắt ngoài tự nhiên cũng được thả vào đó và khiến chúng trở thành những cá thể bán thuần dưỡng.

Theo thời gian, người ta bắt đầu xây những hồ chỉ để nuôi cá diếc vàng và cá chép vàng với mục đích giải trí, nuôi làm cảnh. Phải đến thời nhà Tống, những quan chức của triều đình Trung Quốc bắt đầu nuôi nhân tạo cá vàng. Từ đó, một số chức sắc cũng bắt chước, lập vườn riêng làm ao nuôi cá, thích ngắm cá. Cá diếc hoang dã từ đó đã bước vào trạng thái thuần hóa. Để tránh bị lai tạp với cá diếc tự nhiên trong ao thả, người ta đã chọn lọc những con cá có 3 màu vàng, trắng bạc và xanh lá mạ để nuôi riêng.

cá vàng
Trong giai đoạn thuần hóa, người ta lựa chọn những con cá có màu vàng, trắng bạc và xanh lá mạ. Ảnh: Goldfish-lifespan

Tất nhiên, không phải ai cũng có khả năng nuôi cá trong một cái ao lớn. Những người bình thường muốn bắt kịp xu hướng đã bắt đầu làm những chiếc chậu, bể và bắt đầu nuôi cá vàng với quy mô lớn. Vào thời Gia Kinh nhà Minh (1546), việc tư nhân nuôi cá vàng đã trở nên rất phổ biến.

Theo đó, đây thực sự là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử thuần hóa cá vàng. Hình dạng của con cá vàng đã trải qua những thay đổi vô cùng lớn kể từ thời điểm này. Do áp lực của môi trường sống trong chậu, thể chất của cá vàng cũng đã thay đổi, đồng thời ảnh hưởng gián tiếp đến tính di truyền thông qua chọn lọc nhân tạo.

Trong tự nhiên, để bơi nhanh tránh kẻ thù săn mồi, tìm thức ăn..., hình dạng cơ thể của cá hầu như sẽ là thuôn dài. Nhưng trong bể nhỏ, không gian cơ động của cá vàng bị hạn chế đến mức chưa từng có, bởi vậy nó chỉ có thể bơi chậm. Dưới sự bảo vệ của con người, chúng không chỉ tránh được sự truy đuổi của kẻ thù tự nhiên mà còn ngày càng dựa vào nguồn thức ăn nhân tạo. Do đó, biến dị di truyền mới được tạo ra có nhiều khả năng được bảo tồn dưới sự chăm sóc cẩn thận của con người.

cho cá vàng ăn
Dưới sự bảo vệ của con người, cá vàng hình thành các đặc điểm "trái tự nhiên". Ảnh: Peter Dakomd.

Vào thời điểm đó, người xưa đã biết cách chọn lọc và lai tạo có chủ đích những cá thể thích nghi với cuộc sống trong những bể, chậu nhỏ. Và sự chọn lọc nhân tạo này cũng thúc đẩy sự tiến hóa của toàn bộ cơ thể của cá vàng, đồng thời hình thành nhiều chủng mới khác nhau.

Chỉ trong vài trăm năm, thân hình dài dẹt vốn thích hợp bơi nhanh nay đã trở thành thân hình tròn trịa ngắn ngủn. Loại đuôi đơn thẳng ban đầu cũng đã phát triển thành loại đuôi chạc dài và rộng, và một số vây đuôi trở thành nhiều thùy; một số có mụn nước nhô ra; một số có khối u đầu lớn trên đỉnh đầu... Darwin trong cuốn sách "Các biến thể của động vật và thực vật được thuần hóa" đã mô tả rằng có "không dưới 89 giống" ở Trung Quốc vào thời điểm đó.

Sau thời nhà Thanh, những người nuôi cá có đầu óc kinh doanh đã bắt đầu có ý thức tiến hành lai tạo nhân tạo và chọn hướng cá vàng. Cũng trong thời kỳ hoàng kim này, cá vàng được du nhập vào Nhật Bản theo từng đợt, và sau đó đến các nước Châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Hầu như tất cả các giống cá vàng trên thế giới hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì vậy, cá vàng còn được mệnh danh là "thánh cá của phương Đông".

atlas tên cá vàng
Cá vàng ở Trung Quốc nhiều đến mức cả cả Atlas tên của chúng. Ảnh: Wang Hong Yuan.

Hiện tại, có hơn 300 giống cá vàng ở Trung Quốc. Mặc dù một số đặc điểm như màu sắc cơ thể không có lợi cũng không có hại cho sự sống còn. Nhưng không khó để nhận thấy rằng tuyệt đại đa số cá vàng đột biến đều không có khả năng sống sót trong tự nhiên.

Ví dụ, hình dạng thân ngắn, tròn và nhiều hình dạng đuôi lạ mắt khác nhau không có lợi cho việc bơi lội của cá vàng. Trong đó, biến thể của kiểu đuôi được chia thành gần chục kiểu, gồm đuôi đơn, đuôi kép, đuôi đơn trên kép (ba đuôi), đuôi đứng, đuôi quạt, đuôi bướm ...

Việc thiếu vây lưng, một đặc điểm điển hình của cá vàng trứng, khiến nó dễ mất thăng bằng và sẽ bị mất phương hướng khi bơi quá mạnh.

Thân hình mập mạp, ngắn, khiến cho chúng dễ mắc bệnh bàng quang và tỷ lệ tử vong cũng cao.

Các dạng u đầu khác nhau, về bản chất là lớp tế bào biểu bì mỏng liên tục phân chia và tăng sinh, chứa đầy mô liên kết lỏng lẻo và chất nhầy. Nhưng dù là đầu cao, đầu rồng, đầu hổ, đầu sư tử, đầu lân, đầu ngỗng ... thì tất cả đều là những"gánh nặng" cho phần đầu và nắp mang, đồng thời còn ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá vàng. Do đó, không thể chịu tác động của dòng nước mạnh.


Cá vàng đầu lân với gánh nặng ở phần đầu và nắp mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Ảnh: SamuelBrownNG

Chỉ cần dưới sự chăm sóc cẩn thận của con người, những đặc điểm dị dạng này sẽ không ảnh hưởng đến sự tồn tại của cá vàng. Chúng chỉ cần lặng lẽ ở dưới nước, ngoài việc ăn uống hoặc bơi lội, gen của chúng có thể được bảo tồn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cá vàng được nuôi để mang lại hạnh phúc cho con người, và con người cho chúng một cuộc sống "thượng đẳng" khi so với những loài hoang dã. Tuy nhiên, nhiều con cá vàng có quá nhiều biến dị về cơ thể, khiến cho chúng rất dễ bị đột tử. Và con người luôn thèm muốn những cái mới, bởi vậy tương lai của loài cá vàng như thế nào, những biến đổi sắp tới của chúng ra sao thì có lẽ hiếm ai có thể dự đoán chính xác được.

Tri thức trẻ
Đăng ngày 10/06/2022
Đức Khương
Sinh học

Vai trò của các thành phần ion đối với sự phát triển của tôm

Để vụ nuôi tôm được thành công thì việc quản lý chất lượng, môi trường nước ao nuôi là một trong những yếu tố chủ chốt không thể bỏ qua, ngoài những thông số chính thì các thành phần ion trong ao cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm.

Tôm thẻ
• 10:28 29/11/2024

Sự hỗ trợ nhau ở các bộ phận trên cơ thể tôm

Mỗi bộ phận của tôm, từ vỏ ngoài cứng cáp đến các cơ quan tiêu hóa, hô hấp và bài tiết, đều giữ vai trò riêng biệt nhưng lại không thể hoạt động một cách độc lập. Sự liên kết này giúp tôm bảo vệ bản thân trước các mối nguy, tận dụng dinh dưỡng và duy trì sức khỏe.

Tôm thẻ chân trắng
• 10:33 13/11/2024

Thị trường đang phát triển thúc đẩy nhu cầu về ngành nuôi trồng rong biển

Theo báo cáo mới, mặc dù nhiều người vẫn không chắc chắn về khả năng và tính lâu dài của việc chiết xuất carbon từ rong biển, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy carbon từ rong biển có tác động đến môi trường thấp hơn so với các sản phẩm truyền thống.

Rong biển
• 14:13 25/09/2023

Sự tương thích giữa chất xử lý nước và bộ lọc sinh học trong RAS

RAS (Recirculating Aquaculture System) là hệ thống nước tuần hoàn, là một mô hình tuy không mới nhưng lại được sử dụng rất phổ trong nuôi trồng thủy sản.

Hệ thống nuôi RAS
• 10:16 20/09/2023

Tép Bạc trở thành đối tác chiến lược phân phối sản phẩm Virbac

Nuôi tôm tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc cải thiện năng suất đến các vấn đề như lột xác không hoàn hảo, mềm vỏ và tỷ lệ chết cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất. Một trong những giải pháp then chốt để giải quyết tình trạng này là bổ sung khoáng chất đầy đủ trong suốt quá trình nuôi.

Tepbac
• 00:47 04/12/2024

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hướng đi bền vững của người nuôi tôm tại Bình Định

Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã được Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai xây dựng mô hình và thực hiện từ năm 2020.

Ao nuôi tôm
• 00:47 04/12/2024

Xuất khẩu thủy sản gần tới đích 10 tỷ đô

Xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng đã đạt gần 9,2 tỷ USD, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đích 10 tỷ USD năm 2024 trong tầm tay.

Tôm đông lạnh
• 00:47 04/12/2024

Men vi sinh trong phòng ngừa bệnh trong nuôi tôm

Các bệnh gây hại cho tôm như bệnh đầu vàng, bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy, hay bệnh nấm thường xuyên xảy ra và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho năng suất và chất lượng sản phẩm.

Vi sinh
• 00:47 04/12/2024

Các yếu tố quan trọng cần biết khi cho tôm ăn

Cho tôm ăn là một công đoạn rất quan trọng trong quá trình nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tốc độ phát triển, và hiệu quả kinh tế của ao nuôi. Để đảm bảo tôm phát triển tốt và hạn chế các vấn đề về môi trường ao nuôi, người nuôi cần nắm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và cách cho tôm ăn.

Thức ăn tôm
• 00:47 04/12/2024
Some text some message..