Tại ấp Kinh Giữa, xã Quách Phẩm Bắc, một số bà con có cách làm mới để thoát nghèo nhờ mô hình nuôi tôm công nghiệp.
Sau nhiều năm xa xứ để làm ăn, cuộc sống gặp không ít khó khăn, ông Mai Ngọc Huỳnh về quê ở ấp Kinh Giữa, xã Quách Phẩm Bắc để lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, gia đình ông vẫn sống trong cảnh nghèo khó.
Đầu năm 2013, được sự giúp đỡ tận tình của Phó Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm Bắc Mai Hoàng Can, ông Huỳnh mạnh dạn dành ra 1.000 m2 trong tổng số 7.000 m2 nuôi tôm quảng canh truyền thống không hiệu quả để nuôi theo hình thức công nghiệp.
“Vụ thứ nhất tôi lời 20 triệu, vụ hai tôi lời trên 100 triệu đồng. Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng nhờ Nhà nước cho tôi được cái nhà, cộng với anh em giúp đỡ, gia đình tôi thoát nghèo. Nợ Nhà nước, nợ bà con cũng không còn thiếu nữa”, ông Mai Ngọc Huỳnh phấn khởi chia sẻ.
Cùng với ông Mai Ngọc Huỳnh, anh Mai Hoàng Vũ (ấp Kinh Giữa, xã Quách Phẩm Bắc) cũng đã cải tạo đất thành 1 ao với diện tích 1.000 m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ đầu tiên, sau hơn 70 ngày chăm sóc đã cho kết quả ngoài mong đợi của anh.
Anh Vũ cho biết: “Tôi thu hoạch được 1.870 kg, tôm 68 con/kg, bán với giá 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lời 150 triệu đồng". Hiện trong ấp có 8 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo nhờ chuyển sang hình thức nuôi tôm công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm Bắc Mai Hoàng Can là người trực tiếp trao đổi, bàn bạc với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện để mỗi hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ 20-30 triệu đồng đào ao, mua vật tư phục vụ nuôi tôm.
Ông vận động bà con hoán đổi đất cho nhau, hoặc cho nhau mượn đất để đào các ao nuôi liền kề, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, nhất là chi phí vật tư làm dàn quạt tạo ô-xy cho tôm nuôi.
Ông còn chủ động liên hệ ngành chức năng tập huấn kỹ thuật cho bà con, bán chịu thức ăn, thuốc cho bà con nghèo, cận nghèo và hằng ngày kiểm tra, tư vấn kỹ thuật các ao nuôi cho bà con theo hình thức cầm tay chỉ việc. Cách giúp đỡ này thật sự đã đem lại kết quả tốt.
“Vụ đầu tiên có 4 hộ nuôi đạt hiệu quả, trong đó có 1 hộ lời trên 150 triệu đồng, 1 hộ lời 70-80 triệu đồng, còn lại 2 hộ lời khoảng 20 triệu đồng. Thời điểm bán, tôm được giá nên bà con rất phấn khởi”, ông Mai Hoàng Can thông tin.
Đây là cách làm mới đang được không ít bà con nông dân nhiều nơi ở xã Quách Phẩm Bắc áp dụng với mong muốn đưa đời sống kinh tế gia đình đi lên.
Ông Mai Hoàng Can cho biết thêm: “Sau khi thấy đạt hiệu quả, nhiều bà con áp dụng làm theo. Trong xã có khoảng 80 hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình chuẩn bị áp dụng cách nuôi này”.
Xã Quách Phẩm Bắc hiện còn 463 hộ nghèo, 560 hộ cận nghèo trong số hơn 2.600 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm gần 18%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm hơn 21%.
Nếu bà con được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, được tập huấn kỹ thuật, được các doanh nghiệp trong vùng bán chịu vật tư, thuốc, thức ăn và những người có kinh nghiệm giúp đỡ như mô hình tại ấp Kinh Giữa thì khả năng thoát nghèo, giảm hộ cận nghèo sẽ rất cao./.