Từ giai đoạn cá bột, chuyển ra bể ương, 1 tuần đầu là thời điểm cá hao hụt cao nhất, không tách cá con sớm khi còn noãn hoàng dưới bụng hoặc tách trễ, gây thiếu dinh dưỡng, cá sẽ hao hụt rất lớn. Giai đoạn chuyển thức ăn từ trứng nước sang trùn chỉ, thức ăn viên, cũng làm cá hao hụt đáng kể. Giai đoạn cá trưởng thành tỷ lệ hao hụt tuy có giảm, nhưng nếu nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, chăm sóc không tốt, để môi trường ô nhiễm, hao hụt lớn vẫn thường xảy ra. Cá thường mắc bệnh nấm vàng như cám bao phủ toàn thân, sình bụng, xù vảy, thối kỳ, mòn đuôi, chậm lớn, phân đàn, màu sắc xấu…
Giải pháp hiệu quả góp phần cải thiện, nâng cao tỷ lệ sống cá Xiêm, Phướng bao gồm sự kết hợp kỹ thuật nhiều giai đoạn trong quá trình ương, nuôi. Bắt đầu từ khâu tuyển chọn bầy cá hậu bị làm cá bố mẹ, tốt nhất nên tuyển chọn cá trống, cá mái khác bầy, có nguồn gốc xa nhau về địa lý, khác yếu tố di truyền, gia phả.
Chọn bầy cá hậu bị đủ tuổi tham gia sinh sản, chọn những con vượt trội trong đàn về thể trạng, màu sắc đẹp, tập tính hung dữ, hoạt động mạnh, dạn người. Chọn cá không bị dị hình, dị tật, vây, kỳ thướt tha, kiểu hình đa dạng.
Lựa chọn cá Xiêm trống to, sung mãn, nhả nhiều bọt trên mặt nước,... Ảnh: id.pinterest
Nuôi vỗ cá hậu bị khoảng 15 – 20 ngày, bằng chế độ cho ăn và chăm sóc đặc biệt như: Nuôi riêng mỗi con trong thau, keo thuỷ tinh, hồ kiếng, hũ nhựa…Cho cá ăn lăng quăng, Moina 1 lần/ngày. Thay nước 4 - 5 lần/tuần, nhằm kích thích cá thành thục, lên trứng đồng loạt. Khi tuyển chọn cá tham gia sinh sản, chọn cá trống to, sung mãn, nhả bọt nhiều trên mặt nước, màu sắc đẹp.
Chọn cá mái màu sắc đẹp, bụng căng to, bụng lệch một bên, da bụng vàng nhạt, thấy rõ hạt trứng. Về màu sắc cá bố mẹ, có thể chọn cùng màu, hoặc lai tạo nhiều màu sắc khác nhau, nhằm đa dạng kiểu hình. Dụng cụ cho cá sinh sản thường là xô nhựa, bể kiếng, keo thuỷ tinh...thể tích 2- 3 lít. Mức nước cho cá sinh sản cao khoảng 15 – 20 cm, có thể thả thêm bèo hoa dâu, bèo lục bình nhỏ, tạo giá thể, làm nơi để cá trống gắn tổ bọt.
Dùng bể ciment diện tích 3 – 5 m2 làm nơi ương cá, hoặc dùng bể lót bạt diện tích như bể ciment, để ương cá, có thể dùng thùng nhựa đường kính lớn ≥ 60 cm ương cá. Bể ương cá bột có mái che bằng tôn, lưới lan…tránh nước mưa trực tiếp vào hồ.
Các loại nước máy, nước sông, nước suối, nước giếng khoan… dùng ương cá đều phù hợp. Tuy nhiên, cần cho nước vào hồ trước khi cho cá ra ương 2 – 3 ngày, mức nước hồ ương ban đầu cao 15 – 20 cm. Do cá còn nhỏ, nước nhiều trong hồ sẽ tạo áp suất lớn, khó khăn khi cá con di chuyển, mất nhiều năng lượng trong quá trình di chuyển, vận động.
Khi cho nước vào đủ yêu cầu, tiến hành xử lý diệt khuẩn nước bằng thuốc tím KMnO4, liều lượng 2 – 4 mg/lít, hoặc đơn giản pha thuốc tím vào nước hồ ương, sao cho nước có màu tím cánh hoa sen là được. Sau xử lý nước 3 ngày, dùng lục bình non, bèo hoa dâu, cho vào 2/3 mặt nước hồ ương, chuyển cá bột ra hồ ương.
Tiến hành làm phiêu sinh, tạo thức ăn tự nhiên cho cá. Lấy 1 – 2 cây rau xà lách bóp nhuyễn, cho vào hũ thuỷ tinh hay hũ nhựa thể tích 1-2 lít, cho 2/3 nước sạch vào hũ, dùng nắp đậy kín, để nơi có ánh nắng gián tiếp, sau 3 - 5 ngày, phiêu sinh hình thành, mở nắp hũ ngửi mùi thơm.
Cấy phiêu sinh ra hồ ương trước khi cho cá bột ra ương. Có thể cấy tảo lục Chlorella hoặc tảo khuê Chaetoceros vào hồ ương. Phiêu sinh, tảo, làm thức ăn tự nhiên cho cá con trong gai đoạn 2 - 3 ngày đầu.
Lưu ý, không cho phiêu sinh hoặc tảo quá nhiều, gây thối nước, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cá bột. Chọn thời điểm khô ráo trong ngày chuyển cá, chuyển cá sáng sớm hoặc chiều mát, nghiêng dụng cụ ương cho cá bơi từ từ ra hồ ương.
Mật độ ương trung bình 1.000 – 1.500 cá bột/m2. Sau 2 ngày, cho cá bột ăn bo bo trắng (Moina non), Con mẻ (con mẻ là một loại tuyến trùng hữu ích mang tên Panagrellus redivivus rất nhỏ, nhưng có thể nhìn thấy bằng mắt thường, bò ngọ nguậy trên bề mặt cơm trong hũ mẻ, và thành dụng cụ chứa đựng), Artemia bung dù hoặc Rotifer.
Sau 1 tuần có thể cho cá con ăn bo bo đỏ (Moina trưởng thành). Nhiều người sử dụng lòng đỏ trứng gà luộc, phơi khô, tán nhuyễn, cho cá bột ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng cách này, cần kiểm soát lượng ăn, vì rất dễ dơ hồ, làm thối nước, gây chết cá.
Thức ăn của cá Xiêm bột.
Sau thời gian ương khoảng 1 tháng, khi chuyển thức ăn cho cá con từ bo bo sang trùn chỉ, bà con cần chuyển mồi từ từ. Giảm dần lượng bo bo trong ngày, đưa trùn chỉ vào hồ từng ít một, tập cá quen dần thức ăn mới. Không chuyển 100% thức ăn mới, dễ gây sốc, dẫn đến cá bị sình bụng, hoặc chết cá. Bo bo hay trùn chỉ do vớt ngoài tự nhiên, là dạng mồi sống, khai thác ở những nơi sông, kinh, rạch, có nguồn nước ô nhiễm, giàu chất hữu cơ.
Do đó, khi vớt về, hoặc mua từ các cơ sở bán mồi cho cá cảnh, bà con cần lọc sạch, ngâm vào thuốc tím pha nước màu hồng nhạt khoảng 5 – 10 phút, hoặc nước muối 0,9% trong thời gian 3 – 5 phút, trước khi cho cá ăn. Nếu sử dụng mồi sống không hết, cần bảo quản bằng thay nước, xục khí oxy. Quan sát là lục bình hay cánh bèo hoa dâu, nếu thấy lá èo uột, héo, chứng tỏ nước hồ chất lượng giảm, cần thay nước, hút chất cặn, phân cá, ra ngoài. Chỉ khống chế lục bình, bèo hoa dâu 2/3 diện tích mặt nước hồ ương, nuôi, diện tích còn lại để trống, quan sát hoạt động cá, quan sát chất lượng nước…
Khi bầy cá đã thể hiện rõ màu sắc, giới tính, cần tách riêng từng cá trống trong hũ, keo thuỷ tinh, nhằm dưỡng cá... Tránh để cá trong hồ nuôi quá lâu, cá đá nhau, gây tróc vảy, rách đuôi, cụt vây, tưa kỳ, gây tỳ vết khi trưởng thành, giảm giá trị khi xuất bán.