Theo nhà nghiên cứu Edgar Walter, một nhà sinh vật học thuộc đại học Y Texas (Houston), nghiên cứu này đã đưa ra bằng chứng trực tiếp đầu tiên về việc các loài động vật phát triển các giác quan có độ nhạy cảm cao khiến cảm giác về sự đau đớn của chúng tăng lên là để thích nghi với chọn lọc tự nhiên và tránh những kẻ săn mồi.
Trong quá trình nghiên cứu, Walter và các đồng nghiệp đã quan sát cách loài mực tương tác với kẻ thù của chúng là cá mú đen. Khi cảm thấy bị đe dọa, mực sẽ có một loạt các hành vi phòng vệ, kể cả khi kẻ thù của chúng vẫn còn cách xa.
Các nhà khoa học đã quan sát hoạt động của mực và cá mú trong bể kính phòng thí nghiệm và so sánh cách một con mực khỏe mạnh và một con mực bị thương phản ứng đối với những mức độ nguy hiểm khác nhau.
Những con mực bị thương ở râu vẫn có khả năng bơi lội, nhưng đây là điểm bất lợi vì cá mú sẽ ưu tiên săn những con bị thương từ khoảng cách xa hơn. Khi cảm thấy nguy hiểm, những con mực đang bị thương tỏ ra thận trọng hơn và có nhiều hành động tự bảo vệ hơn những con không bị thương khác.
Tiếp theo đó, các nhà nghiên cứu gây tê cho những con mực bị thương khiến chúng không còn cảm thấy đau đớn nữa, và những con mực này đã thất bại trong việc thực hiện những hành vi phòng vệ để đảm bảo mạng sống của chúng.
Cảm giác về sự đau đớn khiến mực trở nên cực kỳ thận trọng cũng là cảm giác tương tự ở con người, mặc dù cách loài mực cảm thấy cơn đau có thể khác loài người. Tuy vậy, phản ứng của loài mực trước việc bị thương đã đưa đến cái nhìn mới về việc con người phản ứng ra sao với việc cảm nhận sự đau đớn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc hiểu rõ hơn về mục đích tự nhiên của việc nhạy cảm với sự đau đớn sẽ mở đường cho việc điều trị các chứng bệnh gây đau đớn trên người./.