Theo Báo Tuổi Trẻ ngày 20/6 phản ánh, 1 ngư dân ở Quảng Nam bị tàu Trung Quốc vây áp, cầm hung khí leo lên tàu và cướp hơn 2 tấn mực. Theo lời kể của ngư dân Trần Văn Nhân (42 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), khoảng 13h30 ngày 2/6, tàu của ông đang ở vị trí tọa độ 15042’ Bắc - 111034’ Đông, cách bờ 160 hải lý, cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 22 hải lý - đây là vùng biển chung, ngư dân Việt Nam thường đánh bắt. Khi các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bất ngờ 1 tàu treo cờ Trung Quốc số hiệu 46305 áp sát. Sau đó thả canô chở 6 người cầm súng, dùi cui leo lên tàu cá của ông. Có một người Trung Quốc nói bằng tiếng Việt: “Vùng biển này thuộc Trung Quốc nên yêu cầu tàu mấy ông không được đánh bắt ở đây”. Sau đó họ buộc ông mở khoang tàu lấy hơn 2 tấn mực chở về tàu của họ. Một số mực trên giàn phơi cũng bị những người này đổ xuống biển. Những ngư dân khẳng định tàu của mình đánh bắt ở vị trí tọa độ này là đúng quy định, có máy hành trình, thiết bị định vị tọa độ, cơ quan chức năng Việt Nam cũng giám sát vị trí, hành trình chặt chẽ nên ông biết rõ đây là vùng biển ngư dân Việt Nam được đánh bắt.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược của phía tàu Trung Quốc, đã cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những ngày gần đây, ngư dân huyện đảo Phú Quý cũng than phiền gặp nhiều tàu Trung Quốc khai thác hải sản tại khu vực phía Đông - Đông Nam đảo Phú Quý, gây ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản của ngư dân địa phương. Những tàu này thường xuất hiện trong vùng biển chung, vùng đánh bắt hải sản truyền thống của cha ông ta, khiến ngư dân rất lo lắng. Nhiều ngư dân Phú Quý còn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi tại vùng biển Trường Sa. Do đó, các ngư dân huyện đảo đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra khu vực phía Đông - Đông Nam đảo Phú Quý. Vì mùa này biển êm, ngư dân khai thác hải sản từ 70 hải lý trở ra gặp rất nhiều tàu cá của Trung Quốc.
Theo UBND tỉnh, khu vực phía Đông - Đông Nam đảo Phú Quý từ 70 hải lý trở ra là vùng khơi, tàu cá hoạt động tại khu vực này chịu sự quản lý của Bộ NN và PTNT (theo quy định tại Khoản 2, Điều 48 - Luật Thủy sản năm 2017), tại vùng khơi lực lượng thực thi pháp luật trên biển là Kiểm ngư (Cục Kiểm ngư, Kiểm ngư vùng), Cảnh sát biển, Hải quân. Nhằm giúp ngư dân yên tâm khai thác hải sản trên vùng biển khơi, UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển tăng cường công tác tuần tra vùng khơi, ngăn chặn, xử lý tàu cá nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam quản lý (bao gồm khu vực phía Đông - Đông Nam đảo Phú Quý).
Được biết, trước đó cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ ngày 1/5 đến ngày 16/8/2019 đối với tất cả các nghề, trừ nghề câu trên các vùng biển, trong đó có vùng đánh cá chung với Trung Quốc (vùng biển phía đông đường phân định vịnh Bắc bộ) và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc”. Và các ngành chức năng cũng khẳng định việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không giá trị.