Giá cá giống tăng cao
Anh Võ Văn Tân, nuôi cá tra ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt cá tra tại nhiều ao nuôi lên đến 25-30%, thậm chí cao hơn. Cá nuôi hao hụt nhiều có nguyên nhân do chất lượng con giống chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, còn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, điều kiện môi trường ao nuôi và việc thả nuôi cá với mật độ quá cao…”. Trên thực tế, giá thành nuôi cá thương phẩm tại nhiều hộ dân đang ở mức cao, bởi phải mua con giống với giá quá cao, chất lượng đôi khi chưa đảm bảo, dẫn đến tỷ lệ cá bị hao hụt nhiều trong quá trình nuôi, cá chậm lớn và dễ bị bệnh. Nông dân tốn thêm nhiều chi phí tiền con giống, thức ăn và phòng chữa bệnh cho cá nuôi.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua diện tích ương cá tra giống ở nước ta đạt hơn 8.550ha, tăng hơn 21,6% so với năm trước. Trong đó, 3 địa phương có diện tích ương giống tăng cao là Long An tăng 56%, An Giang tăng 21,1%, Đồng Tháp tăng 8,8%. Trong năm qua, các cơ sở sản xuất, ương giống cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu giống cục bộ tại một số thời điểm trong năm. An Giang, Đồng Tháp, Long An là các địa phương cung cấp 83% số lượng giống cần cho nhu cầu nuôi thương phẩm.
Trong 4 tháng đầu năm và 4 tháng cuối năm 2018, giá cá tra giống cỡ 30 con/kg dao động ở mức 50.000-70.000 đồng/kg, cá cỡ 100 con/kg từ 80.000-100.000 đồng/kg. Tháng 5 đến tháng 7 là thời điểm giá cá tra giống xuống thấp nhất trong năm qua nhưng vẫn khá cao, cá cỡ 30 con/kg từ 26.000-36.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg có giá 50.000-80.000 đồng/kg. Bước sang những tháng đầu năm 2019, giá cá tra giống tiếp tục ở mức cao. Theo ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, từ năm 2016 trở về trước, con giống chúng ta làm rất rẻ, thậm chí có nhiều thời điểm giá chỉ 13.000-15.000 đồng/kg, trong khi gần đây giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của doanh nghiệp và người nuôi cá tra tại ĐBSCL, sở dĩ giá cá tra giống chưa ổn định và thường xuyên ở mức cao do phụ thuộc nhiều vào giá cá tra thịt và giá thành sản xuất cá giống cũng cao bởi tỷ lệ ương dưỡng con giống đạt thấp. Do thời tiết bất lợi và các loại bệnh như: bệnh gan thận mủ, xuất huyết, bông xù đuôi, trắng đuôi… xảy ra trong giai đoạn ương 15-20 ngày. Ngoài ra, người dân ương cá tra giống còn theo kiểu nhỏ lẻ, theo giá cả và chưa nắm rành các kỹ thuật, chưa liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan để đảm bảo có nguồn con giống chất lượng, giá cả phù hợp và cân bằng cung cầu. Một vấn đề đáng lo nữa là một số cơ sở sản xuất giống sử dụng cá tra bố mẹ có chất lượng chưa đạt yêu cầu cho sinh sản gây ảnh hưởng đến chất lượng cá bột và tỷ lệ hao hụt tại khâu ương giống, nuôi cá thịt...
Cần các bên liên quan vào cuộc
Để đảm bảo nguồn giống tốt phục cho nuôi cá tra xuất khẩu, các bên liên quan cần tích cực vào cuộc khắc phục kịp thời những khó khăn và hạn chế. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần triển khai hiệu quả Đề án giống cá tra 3 cấp và các chương trình, đề án phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng giống cá tra đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt...
Nuôi cá tra thương phẩm tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án giống cá tra 3 cấp) đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20-3-2018, với mục tiêu cung cấp 50% nhu cầu cá tra giống chất lượng cao (1,1-1,25 tỉ con cá tra giống) đến năm 2020 và 100% nhu cầu đến năm 2025 (2,5-3 tỉ con). Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Đề án giống cá tra 3 cấp đang được An Giang và các địa phương trong vùng tích cực triển khai. An Giang hình được 4 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra, sử dụng cá giống bố mẹ của Viện II (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), sau đó đưa về các cơ sở sản xuất giống, trong đó có trung tâm giống của An Giang để sinh sản cá bột, rồi đưa về các chi hội sản xuất giống và quay ngược lại cung ứng giống cho các doanh nghiệp và người tiêu thụ. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn rất khó cho Viện II đảm bảo cung giống đủ cá bố mẹ cho nhu cầu thị trường. Nhu cầu cá tra giống cả vùng ĐBSCL khoảng 3-4 tỉ con, tương đương với cần có 40 tỉ bột và cần 150.000-200.000 cá bố mẹ, trong khi khả năng cung cấp cá bố mẹ của Viện II mới vào khoảng 20.000 con. Do vậy, chúng ta phải tăng cường thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp cũng dần nhận rõ việc tham gia các đề án, chương trình về giống sẽ giúp chủ động về nguồn giống và chất lượng con giống nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia như: Tập đoàn Việt Úc, Công ty Cổ phần Nam Việt, Vĩnh Hoàn…
Ngành hàng cá tra nước ta đang hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu từ 2,26 tỉ USD của năm 2018 lên mức 2,4 tỉ USD trong năm nay. Thời gian qua, nhìn chung cả người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi cá tra thương phẩm, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi do giá cá giống, giá cá nguyên liệu giữ ở mức cao và giá cá xuất khẩu cũng rất tốt. Song, để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và giảm tối thiểu nguy cơ bị thua lỗ khi giá cá tra xuất khẩu có thể giảm, chúng ta cần phải kịp thời tìm cách giảm giá thành sản xuất ngay từ khâu sản xuất con giống. Theo các chuyên gia, giá cá tra nguyên liệu tăng và duy trì ở thời gian dài vừa qua đã phần nào khiến giá xuất khẩu tăng cao và thu hẹp khoảng cách về giá giữa cá tra với một số loài cá thịt trắng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng và khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam. Do đó, duy trì giá nguyên liệu hợp lý sẽ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra cũng như ổn định lợi nhuận lâu dài cho các bên tham gia vào chuỗi.