Cá tra là sản phẩm chiến lược
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có điều tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho hoạt động nuôi cá tra nên khu vực này được coi là trung tâm cá tra của cả nước. Đến cuối năm 2014, diện tích nuôi cá tra khu vực ĐBSCL ước đạt 5.500 ha, sản lượng 1.116 ngàn tấn. Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long (chiếm khoảng 85% tổng diện tích và sản lượng cá tra của ĐBSCL). Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, mỗi năm thu về gần 1,8 tỷ USD, đóng góp lớn cho phát triển ngành thuỷ sản nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng.
Theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hiện nay 100% cơ sở chế biến đông lạnh cá tra Việt Nam đạt quy chuẩn Việt Nam về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP đủ điều kiện để xuất khẩu sang tất cả các thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho biết, quí 1/2015, diện tích cá tra thả nuôi mới đạt 828 ha, tăng 15,34% và sản lượng đạt 206.950 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 360 triệu USD, giảm 12 % so với cùng kỳ năm 2014. Trong 6 tháng diện tích và sản lượng cá tra tăng nhẹ so cùng kỳ, xuất khẩu cá tra vẫn còn giảm so cùng kỳ nhưng tốc độ đã chậm lại. Xuất khẩu cá tra đến tháng 4 giảm 11,6%, đến tháng 5 giảm 9,6% và đến hết tháng 6 còn giảm 9% so cùng kỳ năm 2014. Đến tháng 9/2015 xuất khẩu cá tra có thể đạt trên 1,2 tỉ USD, rút ngắn khoảng cách so 9 tháng đầu năm 2014.
Dự báo đến cuối năm xuất khẩu cá tra có thể đạt mức bằng hoặc hơn mức 1,77 tỷ USD của năm 2014. Căn cứ dự báo này dựa vào quy luật chung hình thành trong nhiều năm. Sản lượng, diện tích nuôi cá tra các tháng đầu năm cao hơn so cùng kỳ, diện tích cá tra thu hoạch tăng trở lại trong các tháng 5 và tháng 6. Số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu thấp trong 2 tháng đầu năm và trong tháng 4 nhưng tăng trở lại trong các tháng 6 và 7. Nhu cầu thị trường khá ổn định ở các thị trường chính, thị trường Trung Quốc đang gia tăng và thị trường Brasil cũng đang tăng trở lại. Ngoài ra, giá cá nguyên liệu trong nước đang đi vào ổn định.
Còn bộc lộ nhiều yếu kém
Theo VN Pangasius, hiện nay ngành cá đang bộc lộ yếu kém ở nhiều khâu. Cụ thể, giống cá tra chất lượng thấp, tỉ lệ sống thấp. Quy hoạch, kiểm soát dịch bệnh, quản lý môi trường trong nuôi cá tra chưa đáp ứng yêu cầu, khâu chế biến xuất khẩu yếu kém trong chiến lược cạnh tranh. Tranh giành nội bộ trong nước gay gắt, cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém, có vấn đề về quản trị chất lượng. Kênh phân phối yếu kém, thị trường xuất khẩu vừa phụ thuộc vừa phân tán, thiếu hiểu biết về khách hàng, phụ thuộc vào nhà phân phối trung gian, trong khi nếu khoảng cách càng xa với tiêu dùng cuối cùng, bất lợi càng lớn…
Mặt khác, những năm gần đây, thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài thì ngành cá hội nhập ngược trở lại trong chuỗi. Các Nhà máy chế biến mở rộng vùng nuôi, nhà máy thức ăn, gia tăng cạnh tranh trong nước. Những diễn biến này đã dẫn đến thu hẹp thị trường ở nước ngoài, gia tăng cạnh tranh trong nước, suy giảm lợi nhuận, suy kiệt tài nguyên, gia tăng các xung đột và đỗ lỗi trong nước.
Còn theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, phát triển cá tra trong 15 năm qua ở nước ta mang tính chất tự phát diễn ra một cách tự nhiên dẫn đến ngành cá tra rơi vào khủng hoảng, trong 5 gần đây năm gần như không phát triển. Phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị chưa hợp lý, người nuôi treo ao, Mất cân đối cung cầu nguyên liệu, dư thừa công suất chế biến. Cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các nhà chế biến cá tra trong nước bằng chất lượng thấp, giá bán thấp. Cơ cấu sản phẩm cá tra chưa hợp lý, trong đó sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chiếm đến trên 92% (phi lê, nguyên con, cắt khúc), số còn lại 8% cũng chỉ là các sản phẩm có hình thức khác hơn một ít so với phi lê.
Thiết bị công nghệ chế biến hiện nay chủ yếu để sản xuất cá tra phi lê đông lạnh, rất thiếu thiết bị công nghệ đồng bộ sản xuất ra sản phẩm giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức phát triển chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Các phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ... tuy đã tận dụng để sản xuất ra dầu cá, bột cá... nhưng chỉ dừng lại ở dạng thô, những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm có giá trị gia tăng cao chưa nhiều.
Việc cung cấp với khối lượng lớn cá tra trong thời gian ngắn vào 2 thị trường Mỹ và EU cũng đã nảy sinh các phản kháng của thị trường. Các thị trường này đã dựng lên các rào cản đối với cá tra Việt Nam như thông tin sai lệch, bôi xấu, hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan…, trong khi đó các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Trung đông, Nga, các nước ASEAN… Hiện nay cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu tại thị trường bán lẻ thế giới, chưa định hướng được thị trường dù chiếm đến 90% sản lượng. Do đó, hiệu quả kinh tế chung của ngành cá tra rất thấp, phát triển thiếu bền vững.
Nhanh chóng vực dậy ngành hàng cá tra
Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, sản xuất và tiêu thụ cá tra là ngành hàng có giá trị gia tăng cao, lợi thế lớn của một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Trong 15 năm qua, sản xuất và tiêu thụ cá tra đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó thời kỳ “hoàng kim” nhất của ngành là giai đoạn năm 2005-2008. Mặc dù ngành cá tra có nhiều giai đoạn thăng trầm với nhiều bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong thời điểm này có thể nói không quá trễ để vực dậy, phát triển ngành cá tra vùng ĐBSCL - ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản cả nước.
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ cá tra trong thời gian tới, ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VN Pangasius cho rằng, phải đa dạng cơ cấu thị trường, giảm mức độ phụ thuộc chỉ vào một hay hai thị trường nhưng cũng tránh khuynh hướng phân tán, dàn trải quá mức. Phân khúc thị trường với sản phẩm cho các thị trường khó tính với giá cao, phân khúc các thị trường không đòi hỏi cao với mức giá cạnh tranh. Tuyệt đối tránh xu hướng giá thấp, chất lượng thấp làm suy yếu toàn diện về thị trường. Thiết lập ngưỡng tối thiểu về chất lượng sản phẩm và minh bạch thông tin chất lượng sản phẩm, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời phải đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, phát triển thị trường, thúc đẩy gia tăng nhu cầu ở thị trường trong nước và ngoài nước thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thi, mở thêm kênh bán hàng. Nâng cấp hệ thống sản xuất, quản trị từ khu vực nuôi, chế biến và phân phối thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mới, tái đầu tư. Thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp. Tiến hành các nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Hợp tác, xây dựng các khu vực quảng bá, trưng bày, khu vực chế biến trình diễn sản phẩm mới.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng tập trung ưu tiên đầu tư đối với ngành cá tra. Để hỗ trợ phát triển bền vững lĩnh vực nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá tra tại khu vực ĐBSCL, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có giải pháp ổn định sản lượng nguyên liệu đảm bảo cung cầu. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng tài chính và xuất khẩu thông qua các hình thức tự nuôi, nuôi gia công, hợp đồng liên kết với người nuôi. Cần tăng cường công tác quản lý, gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành để nâng cao chất lượng sản phẩm…
Về vấn đề phân khúc thị trường, ông Lê Vĩnh Tân chỉ ra rằng, nếu lấy cá nuôi công nghiệp xuất khẩu bán cho thị trường nội địa thì sẽ gặp khó khăn. Do đó, phân khúc thị trường phải theo yêu cầu từng nước, thị trường nào có giá trị gia tăng cao, thị trường nào có giá trị thấp phải có công nghệ chế biến khác nhau. Mặt khác, không thể để một thị trường có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh nhau mà cần phân nhóm thị trường, bởi không thể có 1 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đáp ứng được 150 thị trường mà chỉ đáp ứng được một vài thị trường nào đó. Tuy nhiên, nhà nước không dùng biện pháp hành chính mà phải có chính sách, chủ trương phân loại doanh nghiệp theo thị trường dựa vào những điều kiện, tiêu chí nhất định…
Về giá trị sản phẩm, phải phân tích được lợi nhuận sản phẩm từ đâu để tập trung chế biến sản phẩm theo chiều sâu. Hiện nay, chúng ta thấy rằng cá philê không phải là sản phẩm có giá trị cao nhất mà còn có các sản phẩm có giá trị cao khác, ví như collagen chỉ là chiết xuất từ da cá tra nhưng có giá tới 5 triệu đồng/kg. Do đó, nếu đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sản phẩm theo chiều sâu, đúng yêu cầu thị trường thì giá trị xuất khẩu cá tra có thể còn tăng gấp đôi so với con số 1,8 tỷ USD.
Đối với vấn đề cung cầu thị trường sản phẩm cá tra, hiện nay nước ta có quá nhiều nhà máy philê, cộng với thị trường giảm giá thì cho rằng cung vượt cầu. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết thị trường cần gì sao biết được cung vượt cầu, bởi thời gian qua ta chỉ bán cái ta có là sản phẩm cá tra philê. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn mới về cung cầu cá tra chứ không thể nhìn ở góc độ chất lượng cá philê, cần phải xác định nhu cầu thị trường để bán cái thị trường cần. Nếu làm được điều này thì diện tích nuôi cá tra có thể không thể dừng ở mức 6.000 ha như hiện nay mà còn có thể tăng lên 10.000 ha hay thậm chí 15.000 ha.
Ngoài ra để đảm bảo lợi ích trong việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng, cần lập quỹ hỗ trợ phát triển cá tra giống như quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, khi điều kiện xuất khẩu tốt thì trích lại một phần, khi cần thiết thì lấy ra xử lý, cứu doanh nghiệp gặp khó khăn.