Họ cá tra (tên khoa học Pangasiidae) - một họ chứa khoảng 28 loài cá nước ngọt đã biết thuộc bộ Cá da trơn (Siluriformes). Các loài trong họ này được tìm thấy trong các vùng nước ngọt và nước lợ trên hệ thống chi lưu của sông Cửu Long. Không khó điểm tên các loài cá cùng giống cá tra, khác loài như: cá ba sa, cá hú, cá vồ đém, cá tra bần, cá bông lau, cá tra chuột, cá xác sọc... là những loài cá thuộc nhóm di cư sinh sản. Bên cạnh đó, các loài cá da trơn khác loài khác giống nhưng giá trị kinh tế cao như cá: cá leo, cá kết, cá ngát…
Sông Mekong chảy vào nước ta qua hai nhánh sông Tiền và sông Hậu với chiều dài khoảng 220-250 km đổ ra biển Đông còn gọi là sông Cửu Long. Trên cả vùng hạ lưu rộng lớn ước tính hơn 28.600 km sông, kênh rạch ở ĐBSCL là "xứ sở" của hàng vạn loài cá, tôm. Đầu tiên từ làng cá bè ở An Giang, cá ba sa khởi sự mở ra cuộc khám phá nhu cầu thị trường. Tuy nhiên chỉ sau vài năm xuất hiện, cá tra với ưu điểm thịt mềm, trắng, vị ngọt thơm độc đáo bắt đầu nổi lên. Dần dần cá tra "vượt mặt" cá ba sa về chi phí nuôi, giá thành thấp và sức cạnh tranh mạnh mẽ. Cá ba sa lùi lại phía sau, trụ lại ở thị trường tiêu thụ trong nước. Các nhà nghiên cứu thủy sản cho rằng: Cá tra có sức sống mãnh liệt, nhất là từ khi công trình nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công, chủ động sản xuất được cá giống, cá tra đủ sức cạnh tranh hơn một số loài cá khác trên thị trường xuất khẩu. Trong khi diện tích vùng nuôi có thể mở rộng, tiềm năng sản lượng còn nhiều khả năng tăng cao hơn nữa.
Hiện nay chỉ con cá tra đã minh chứng sức sống bền bỉ của một mặt hàng "bơi xa" khắp nơi trên thế giới, dù rằng vẫn còn những băn khoăn trong chiến lược cạnh tranh để thoát khỏi hình ảnh ngộ nhận là sản phẩm giá rẻ! Năm 2015 sắp trôi qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ nằm mức 21.000-25.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá hú nuôi trong lồng bè ở ĐBSCL đã âm thầm len lỏi vào những nhà hàng nội địa khắp các đô thị lớn. Đơn giản vài ba món cá hú kho tiêu, cá hú nấu canh chua… đã đẩy giá bán cá hú nguyên liệu tới mức 80.000-100.000 đồng/kg, cao hơn gấp 4-5 lần cá tra. Riêng cá bông lau (có nơi còn gọi là cá dứa) sống tự nhiên ở vùng nước ngọt và lợ, giá trị còn cao hơn nữa, do phần thịt phi lê thơm ngon, ít mỡ. Thời giá trên 100.000 đồng/kg và hút hàng nhất tại thị trường nội địa.
Hiện nay, một số nước trong khu vực chú trọng nuôi cá lóc bè, cá trê vàng lai… Riêng cá tra nuôi còn điểm yếu thịt vàng nên khó tìm lợi thế cạnh tranh. Do vậy các nhà nghiên cứu kinh tế thủy sản dự báo: Vùng ĐBSCL còn tiềm năng lớn về nguồn lợi thủy sản với nhiều lợi thế. Cùng với cá da trơn đa dạng, phong phú về chủng loài, còn rất nhiều loài cá khác như cá lóc, cá rô, cá sặc, cá thát lát, cá linh… dân cư trong vùng không lo thiếu cá ăn. Song, muốn phát huy lợi thế để ngành kinh tế thủy sản vượt lên khá giàu cần phải gia tăng giá trị thêm nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Các loài cá kết, cá leo, cá lăng… trong vùng, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã cho sinh sản nhân tạo và chủ động nguồn con giống, tiềm lực có thể phát triển nuôi cá trong bè tốt, sẵn sàng mở cửa thị trường. Riêng cá bông lau, thách thức thực tại khi nguồn lợi tự nhiên đang cạn dần. Bởi loài cá này có đặc tính sống trong tự nhiên sông sâu nước chảy, cần dưỡng khí oxy cao. Vì vậy cho đến nay các nhà chuyên môn thủy sản vẫn chưa thành công trong việc sinh sản nhân tạo và nhân giống. Đó là một yêu cầu đặt ra với Nhà nước trong việc đầu tư nghiên cứu sinh sản không chỉ giống cá bông lau mà với những giống cá khác có lợi thế gia tăng hơn; đồng thời tính toán chiến lược và kinh nghiệm tạo nên sự khác biệt hơn cá tra.