Hiện nay, việc thay thế đàn cá tra bố mẹ có chất lượng đã được thực hiện. Tuy nhiên, cách quản lý và tái tạo quần đàn sản xuất còn hạn chế, người nuôi ít kinh nghiệm trong sản xuất giống cộng với yếu tố môi trường không thuận lợi đã khiến chất lượng con giống không ổn định, tỷ lệ sống thấp.
Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã hoàn thành việc phát tán trên 100.000 con cá bố mẹ và bàn giao cho các tỉnh, thành theo Chương trình 2194 với trọng lượng mỗi con đạt từ 3,5-5 kg. Kết quả ban đầu tại một số cơ sở cho thấy: kích thướt trứng lớn, tỷ lệ sống đến khi đạt kích cỡ thả nuôi cao hơn, độ nhanh nhạy hoạt động của cá con và tốc độ tăng trưởng tốt hơn từ nguồn cá tra bố mẹ khác.
Để hoàn thành mục tiêu thay thế dần đàn cá tra bố mẹ có chất lượng, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành kinh phí từ Chương trình 2194, Chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong thủy sản để tiếp tục chọn tạo giống cá tra bố mẹ có tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng bệnh để cung cấp đủ số lượng cho các cơ sở sản xuất giống và người nuôi.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2014, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 132 cơ sở sản xuất cá tra giống với sản lượng sản xuất đạt trên 30 tỷ con cá bột, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra bột dao động từ 0,5-1 đồng/con, giá cá tra bố mẹ dao động từ 27.000- 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm từ đầu tháng 2- tháng 4/2014, giá cá tra bố mẹ tăng lên từ 32.500 - 42.700 đồng/kg do giá cá thương phẩm tăng và nhu cầu của người thả nuôi tăng./.