Ngày 10-8-2017, tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Bệnh trên tôm và mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn”. Tham dự có TS. Lê Hồng Phước - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Nam Bộ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.
TS. Phước cũng đã hướng dẫn người nuôi cách phát hiện sớm một số bệnh trên tôm thường gặp trong vài năm gần đây, như: hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, vi bào tử trùng. Để tránh những bệnh này phải chọn con giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, nếu phát hiện nên sớm xử lý ao thật kỹ nhằm giảm thiệt hại. Ngoài ra, khâu xử lý vùng nuôi trước khi thả giống rất quan trọng. Phương pháp vệ sinh, xử lý ao nuôi được khuyến cáo hiện nay là thả cá rô phi vào ao lắng; có thể thả trực tiếp vào ao nuôi, cùng với đó, chỉ sử dụng một số chế phẩm vi sinh và có thể kết hợp với một số chất có nguồn gốc vi sinh trong tự nhiên…
Thời gian qua, người nuôi tôm biển ở Bến Tre đã chú ý đúng mức đến việc bố trí ao lắng trong khi nuôi tôm biển. Việc áp dụng nuôi tôm 2 giai đoạn rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, vùng nuôi bị ô nhiễm như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, một số nông dân, doanh nghiệp tại các huyện Bình Đại và Thạnh Phú áp dụng thành công mô hình nuôi tôm biển 2 giai đoạn. Tính ưu việt của mô hình này là tiết kiệm kinh phí xử lý nước trong ao tôm trước khi thả nuôi; lượng tôm giống hao hụt khi thả giảm đáng kể, dịch bệnh dễ kiểm soát. Đặc biệt, mô hình này thuận lợi cho việc xử lý chất thải sau vụ nuôi. Sở đã và đang hỗ trợ, trình diễn một số mô hình để nông dân có thể tìm hiểu, rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục một số vấn đề về kỹ thuật.