Tại sao vấn đề an ninh sinh học lại quan trọng?
Nuôi trồng thủy sản đang phát triển với tốc độ nhanh do các chiến lược nuôi trồng thâm canh và nghiên cứu những cải tiến trong các lĩnh vực di truyền, dinh dưỡng, công nghệ sinh học và quản lý dịch bệnh. Đi cùng với đó là những thách thức: Các bệnh truyền nhiễm gây ra một mối đe dọa lớn đối với nuôi trồng thủy sản thâm canh và có khả năng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp này. Trong thực tiễn nuôi trồng thâm canh ngày nay, sẽ là rất nguy hiểm khi không thừa nhận những lợi ích của an ninh sinh học.
An ninh sinh học là một tập hợp các thực hành để giảm thiểu việc xâm nhập, gây bệnh và lây lan các mầm bệnh. Do các hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ luôn phải đối phó với các tác nhân gây bệnh, nên áp dụng các thực hành an ninh sinh học là cách tiếp cận hợp lý, vì phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Những thực hành này khác nhau theo các bên liên quan. Trong khi các nhà máy chế biến tuân thủ các hướng dẫn HACCP (hệ thống kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro cho an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến - ND) để đảm bảo sản phẩm của họ an toàn cho người tiêu dùng, thì các nhà nuôi trồng nên quan tâm, xem xét thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Rủi ro an ninh sinh học lớn hơn khi sản xuất thâm canh
Các hoạt động nuôi thâm canh tạo ra những rủi ro lớn hơn cho người sản xuất. Trong nhiều thách thức, dịch bệnh chắc chắn là tốn kém nhất. Một ổ dịch đơn có thể làm người nuôi ngừng các hoạt động nuôi trồng và lâm vào nợ nần. Tương tự, sự xuất hiện của một bệnh được báo cáo có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến trang trại và cho toàn ngành. Với bản chất thương mại quốc tế, chúng ta phải nghi ngờ rằng mỗi lô hàng thủy sản cũng có thể là một lô hàng tiềm năng của các mầm bệnh.
Các vấn đề về an ninh sinh học giúp bảo vệ khỏi sự tiếp xúc với dịch bệnh, là cách có hiệu quả và kinh tế nhất để kiểm soát dịch bệnh. Thiếu một kế hoạch an ninh sinh học khi có dịch bệnh bùng phát có thể dẫn đến vật nuôi bị bệnh hoặc chết, tốn chi phí chẩn đoán, sử dụng không hết công suất của trang trại, giảm chất lượng và giá trị sản phẩm, không có khả năng tiếp tục nuôi, làm tổn hại danh tiếng thị trường và đóng cửa trang trại.
Hậu quả của sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có thể là thảm khốc, đặc biệt là trong các hệ thống tuần hoàn và các trại sản xuất giống, do bản chất tốn kém vốn có và cường độ hoạt động. Tầm quan trọng của an ninh sinh học trong nuôi trồng thủy sản đã được nhận ra với những sự cố không may như bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép ở Bắc Carolina, làm chết khoảng 250 ao cá, dẫn đến tổn thất kinh tế to lớn. Xảy ra điều nay là do không có an ninh sinh học tại các trang trại ở hai bang khác nhau (Bắc Carolina và Virginia), và virus có thể lây lan từ nơi này đến nơi khác. Hậu quả này có thể đã được ngăn ngừa nếu các thủ tục an ninh sinh học được áp dụng, điều này đòi hỏi phải loại trừ triệt để cá khỏi ao/các ao đã bị nhiễm bệnh.
Tương tự, các biện pháp an ninh sinh học có thể đã ngăn chặn được sự lây lan của virus gây hội chứng đốm trắng (White Spot Syndrome Virus), điều này gần như đã làm suy sụp ngành công nghiệp tôm toàn cầu.
Học hỏi từ các ngành chăn nuôi khác
Vì an ninh sinh học là một khái niệm tương đối mới trong nuôi trồng thủy sản, nên sẽ có ích nếu áp dụng các thực hành từ các ngành nuôi động vật thành công khác. Ví dụ, trong ngành chăn nuôi gia cầm, những thực hành cần thiết là cách ly, kiểm soát buôn bán, vệ sinh, nội quy vào cổng, các trạm mồi để kiểm soát động vật gặm nhấm và côn trùng, làm hàng rào cao.
Ngành chăn nuôi gia súc đảm bảo kiểm tra và kiểm dịch những động vật mới, thiết bị và phương tiện sạch sẽ, kiểm soát buôn bán và các quy trình khử trùng. Những hoạt động này làm giảm sự xâm nhập bệnh, giảm thiểu sự lây lan tại trang trại và bảo vệ sự đầu tư.
Trong ngành công nghiệp tôm, các biện pháp an ninh sinh học bao gồm:
- Vật nuôi được kiểm nghiệm, kiểm dịch
- Các rào cản vật lý: có hàng rào bao quanh hạn chế cua còng vào ao, có lưới phủ trên bề mặt ao để hạn chế chim vào ao.
- Xử lý nước: xử lý nước bằng Chlorine để diệt khuẩn cho nước trước khi thả nuôi, có diệt khuẩn định kỳ
- Sử dụng tôm sạch bệnh (Specific pathogen-free - SPF) và tôm kháng bệnh (Specific athogen-resistant - SPR)
(Lightner 2003; Horowitz và Horowitz 2003).
Một số chiến lược an ninh sinh học trong nuôi cá hồi và cá bơn ở Nhật Bản bao gồm: sử dụng cá bố mẹ không mang mầm bệnh, giám sát sức khỏe cá, tiêm vắc-xin, khử trùng cơ sở sản xuất giống và các thiết bị dùng trong sản xuất. Cách tiếp cận an ninh sinh học trong nuôi nhuyễn thể ở Mỹ bao gồm: sử dụng bố mẹ không mang bệnh, đánh giá sức khỏe vật nuôi, chẩn đoán và điều trị sớm, và các thủ tục vệ sinh để giảm ô nhiễm.
Xét đến khả năng tàn phá của các mầm bệnh, đặc biệt các mầm bệnh có nguồn gốc ngoại lai, cần thận trọng khi áp dụng các biện pháp an ninh sinh học trong các hoạt động hàng ngày ở trang trại. Mặc dù có thể không thực tế để thực hiện tất cả các bước của một kế hoạch an ninh sinh học chuẩn, nhưng một lựa chọn hợp lý các chiến lược thích hợp cho một trang trại sẽ rất đáng giá. Một kế hoạch an ninh sinh học cụ thể cho từng trang trại là xác định mối quan tâm về bệnh và các khu vực có nguy cơ cao và thực hiện các thực hành tốt nhất là chìa khóa cho một hoạt động thành công. Nhận thức của nhân viên về kế hoạch (an ninh sinh học) là rất quan trọng để đảm bảo thực hiện. An ninh sinh học có thể áp dụng cho các ao riêng lẻ, cho các trang trại hoặc cho toàn ngành.
Thực hành an ninh sinh học trong các hệ thống sản xuất nhỏ thì dễ dàng hơn và hiệu quả hơn so với các hoạt động ngoài trời và có quy mô lớn. Bác sỹ thú y và các chuyên gia khác có thể giúp các nhà sản xuất thủy sản xác định được các khu vực và các hoạt động chính để đưa ra một kế hoạch hiệu quả. Một kế hoạch an ninh sinh học có hiệu quả bao gồm các tác nhân gây bệnh cụ thể có liên quan đến trang trại, tính phổ biến của dịch bệnh tại vùng, giám sát dịch bệnh, nhận thức về an ninh sinh học, kiểm dịch thủy sản đầu vào, thực hành nuôi phù hợp, dinh dưỡng tối ưu, tiêm vắc-xin, kiểm soát buôn bán, kiểm soát vector (vật) truyền bệnh và các phương pháp khử trùng.
Việc đem cá (nói chung cho các loài thủy sản) mới từ các nguồn bên ngoài là yếu tố rủi ro an ninh sinh học lớn nhất. Bổ sung cá mới cho trang trại nên được kiểm tra và kiểm dịch các mầm bệnh tiềm ẩn. Nếu có thể thì sử dụng dịch vụ của cơ quan kiểm tra thủy sản. Bỏ qua bước quan trọng và tương đối ít tốn kém này là quá nguy hiểm, và có thể dẫn đến các tình huống bùng phát dịch bệnh không đáng có. Nhìn bề ngoài trong khỏe mạnh nhưng chúng vẫn có thể là những vật mang mầm bệnh, có thể lây lan sang các con cá khác khi bị stress.
Nguyên tắc chung về an ninh sinh học
Một số thành phần chung của an ninh sinh học có thể được theo dõi trong các đơn vị sản xuất bao gồm: kiểm tra sức khỏe cá định kỳ, kiểm dịch các lô mới, giám sát dịch bệnh, hạn chế khách tham quan, tiêm vắc-xin cho cá, khử trùng, thiết lập các khu làm việc an ninh sinh học, nhận thức về an ninh sinh học của nhân viên, hạn chế các loài động vật và chim hoang dã, giám sát chất lượng nước, sử dụng các dụng cụ bảo hộ (giày ống, ủng lội nước, ...), thức ăn có chất lượng tốt, bảo quản thức ăn phù hợp, ngâm/tắm chân và rửa sạch xe giữa các chuyến viếng thăm các cơ sở sản xuất.
Trong các hệ thống sản xuất giống và các hệ thống tuần hoàn, các khía cạnh cần xem xét là: nguồn cung cấp nước ngầm sạch bệnh, trứng cá hoặc cá SPF, thức ăn SPF, chế độ dinh dưỡng tối ưu, giám sát sức khỏe cá, các đơn vị sản xuất dễ vệ sinh, các tính năng để loại bỏ cá chết, quy trình khử trùng và duy trì ghi chép trong quá trình sản xuất. Các chiến lược tiêm chủng cụ thể và chi phí hiệu quả sẽ giúp đề kháng với một số mầm bệnh, đem lại sức khỏe tốt và cải thiện năng suất.
Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa một căn bệnh lây lan khắp trang trại. Hiểu được sự truyền bệnh và vòng đời của mầm bệnh giúp thực hiện các biện pháp an ninh sinh học cần thiết. Các chuyên gia khuyến nông, bác sỹ thú y, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thể cung cấp thông tin này.
An ninh sinh học cung cấp một khuôn khổ thích hợp để quản lý các rủi ro do các nguy cơ sinh học gây ra (Hội đồng An ninh sinh học, 2003). Một bệnh cụ thể có thể gây ra những tác động bất lợi bằng nhiều cách và trong nhiều lĩnh vực. Hiện đang thiếu các nghiên cứu về bệnh thủy sản và những tác động kinh tế của chúng, hiệu quả của các chiến lược quản lý hợp lý và so sánh giữa chúng (phòng ngừa, loại trừ và kiểm soát).
Phân tích kinh tế và xây dựng các kịch bản về lợi ích của chi phí bỏ ra là cần thiết cho việc áp dụng an ninh sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Chi phí cần được tính trong đánh giá kinh tế về các chiến lược quản lý an ninh sinh học, bao gồm: cơ sở hạ tầng và chi phí quản lý, chi phí phòng ngừa bệnh, chi phí điều trị và thiệt hại năng lực sản xuất (cá, đơn vị sản xuất).
Một số chương trình an ninh sinh học hiện có
Một số chương trình an ninh sinh học hiện có nhằm bảo vệ thương mại toàn cầu là:
Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật;
Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc và Bộ quy tắc ứng xử;
Quy tắc thực hành về giới thiệu và chuyển giao sinh vật biển của Hội đồng thám hiểm biển quốc tế (ICES);
Phần Vệ sinh và Kiểm soát sức khỏe (Bộ Quy tắc về an ninh sinh học động vật thủy sản, OIE) bao gồm các quy trình khử trùng các trang trại nuôi cá, động vật thân mềm và giáp xác (Scarfe 2003);
Ngoài ra còn có: Chương trình an ninh sinh học của Úc (AQUAPLAN); Chương trình chứng nhận cá mồi và cá cảnh ở Arkansas. Các chương trình này là những ví dụ về các tiếp cận an ninh sinh học thực tiễn được áp dụng cho các trang trại thủy sản. An ninh sinh học có thể được thực hiện ở hầu hết các trang trại bằng cách sử dụng các giao thức đơn giản, có khả năng tiết kiệm cho một nhà sản xuất khỏi tổn thất kinh tế đáng kể.
Triển vọng
Các biện pháp an ninh sinh học là cần thiết trong bất kỳ chuỗi sản xuất sinh học nào, đơn giản vì chúng ta không thể bỏ qua các lợi ích của các chiến lược phòng ngừa này. Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, mật độ thả nuôi cao, sản xuất liên tục và kéo dài việc giữ lại nước đã tạo ra môi trường có lợi cho các mầm bệnh độc hại. Trong các hệ thống này, các biện pháp an ninh sinh học là cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những tổn thất kinh tế.
An ninh sinh học có thể được áp dụng cho các hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản thông qua nhiều chiến lược quản lý khác nhau. Các chương trình an toàn sinh học được xây dựng tốt sẽ nâng cao sức khỏe động vật, sản xuất, nền kinh tế của khu vực và quốc gia. Các yếu tố chính của an ninh sinh học là: nguồn gốc đáng tin cậy của vật nuôi, chẩn đoán bệnh sớm, ngăn ngừa mầm bệnh và các thực hành quản lý tốt nhất.
An ninh sinh học là nỗ lực của nhóm, trách nhiệm qua lại lẫn nhau và là một quá trình động phải được đánh giá lại và tuân thủ một cách nhất quán. Thực hiện các thực hành an ninh sinh học đòi hỏi sự ra quyết định dựa trên khoa học, các phương pháp chuẩn, dễ dàng áp dụng và tập trung vào phòng ngừa là chính.