Bệnh nhân tên Lê Hữu Nghĩa, 46 tuổi, được chuyển từ huyện đảo Bạch Long Vĩ vào đất liền trong tình trạng rất nguy kịch.
Trước đó, vào lúc hơn 11 giờ, ngày 27/3, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ tiếp nhận bệnh nhân Lê Hữu Nghĩa (là ngư dân, quê quán Hải Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trong tình trạng lơ mơ, tăng tiết đờm rãi liên tục, tê bì toàn thân, mạch nhanh, huyết áp dao động 140- 155/90 mmHg, SPO2 93%.
Sau ít phút, bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân xuất hiện môi, đầu chi tím tái, SPO2 không đo được, nhịp thở 46 lần/phút, huyết áp 75/45 mmHg, mạch không đếm được.
Bệnh nhân Lê Hữu Nghĩa đang điều trị tại Khoa hồi sức. (Ảnh: Đoàn Minh Huệ/Vietnam+)
Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ đã nhanh chóng cấp cứu bằng các biện pháp chống sốc, chống dị ứng, đặt Sonde rửa dạ dày, lập hai đường truyền tĩnh mạch (hai chi trên), đặt Sonde tiểu, tăng cường đào thải độc tố qua đường niệu. Đặc biệt, quyết định tiến hành đặt ống nội khí quản, bóp bóng để duy trì chức năng sống.
Đến 19 giờ 30 cùng ngày, bệnh viện xin được lịch tàu về đất liền của Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ. Giám đốc Bệnh viện đã quyết định cử một bác sỹ và một điều dưỡng để tiến hành vận chuyển cấp cứu bệnh nhân được an toàn.
Sau 10 tiếng trên biển, sáng ngày 28/3, tàu cập Cảng Đông Hải và được xe Cấp cứu 115 hỗ trợ chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Việt Tiệp để tiếp tục cấp cứu và điều trị. Đến 18 giờ ngày 29/3, sức khoẻ bệnh nhân Lê Hữu Nghĩa đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bạch tuộc đốm xanh có tên khoa học là Hapalochlaena lunulata, kích thước tối đa không quá 50mm, có tám tay ngắn, sống ở các vùng triều san hô chết và các rạn san hô ven bờ. Bạch tuộc đốm xanh có chứa độc tố tetrodotoxin cực độc trong tuyến nước bọt.
Trên thế giới có đã có nhiều người bị bạch tuộc này cắn chết, ở Việt Nam cũng đã có hàng chục trường hợp tử vong do ăn bạch tuộc đốm xanh.