Người duy nhất “không chết”
Chuyện kỹ sư Dương có trong tay công nghệ nuôi tôm không chết, hiện vẫn có hàng trăm đầm tôm sống khỏe, thu bạc tỷ mỗi ngày khiến dân nuôi tôm kinh ngạc, truyền kỳ nhanh chóng. Chiều 18-7-2012, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn CP (Thái Lan) tổ chức hội thảo, mời kỹ sư Dương đến nói chuyện bày “bí kíp” cho hơn 100 khách hàng là các chủ đầm tôm “ruột”. Trước đó, giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận cũng cử đoàn cán bộ về tìm hiểu trực tiếp tại các đầm tôm của anh Dương. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh phải thốt lên: “Tại sao mọi người nuôi tôm đều chết mà anh Dương nuôi không chết? Bí quyết gì, cách làm ra sao ngành thủy sản phải nghiên cứu nắm bắt ngay!”. Còn tại các vựa tôm của Dương ở Ninh Thuận, Bình Thuận, ngày nào cũng có các đoàn khách từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, miền Tây Nam Bộ tìm về “tầm sư học đạo”, tìm cách cứu tôm.
Trước câu chuyện kỳ lạ trên, chúng tôi đã tìm về xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, nơi có 24 ao tôm của anh Dương. Lạ thay, dọc đường đi, bên cạnh các ao tôm cạn khô, lác đác những đàn cừu xuống ao... gặm cỏ thì tại trang trại của Dương, 24 ao vẫn hoạt động hết công suất. Máy tạo ô xy cho tôm vẫn quay hối hả, phun bọt trắng xóa. Khi chúng tôi đến, đoàn 12 người do anh Nguyễn Văn Nhân dẫn đầu vào học hỏi đang kẻ đứng trên bờ, người xoay trần dưới ao tìm hiểu. Kỹ sư Dương oang oang nói:
- Cho các anh lặn xuống ao mò thoải mái, có tôm chết phạt gì tôi cũng chịu!
Hai thanh niên nước da đen cháy nhảy xuống, lặn ngụm một hồi dưới dòng nước nâu sẫm rồi ngoi lên, một người xòe tay thấy một vốc vỏ tôm: “Không có tôm chết, chỉ toàn vỏ tôm lột không à. Đáy ao không nhớt”. Anh Nguyễn Văn Nhân, chủ một trang trại tôm ở cùng xã xác nhận: “Ban đầu, nghe nói anh Dương nuôi tôm không chết tôi chưa tin. Nhưng gần nửa năm nay, ai nuôi cũng chết riêng ảnh thì không, nên giờ ngày nào tôi cũng đến đây học hỏi”. Nghe Nhân trình bày thì hoàn cảnh của anh thật đáng thương, tôm chết nhiều quá, dốc sạch vốn liếng vay ngân hàng mấy tỷ đồng vào 3 ao tôm. Nếu đợt này mà không thành công, anh chỉ còn nước bán nhà mà thôi.
Tìm bí quyết từ “xê-ri” thất bại
Cách đây gần 20 năm, người lính trẻ Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1972) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Vùng 4 Hải quân quyết định không trở về quê nhà, vùng quê Yên Thành, Nghệ An nghèo khó mà quyết tâm ở lại thi vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Trước ngày đỗ đại học thì bố mất, nhà có 6 anh em, cuộc sống thêm khó khăn. Dương chỉ còn biết lao vào học cho thật tốt. Năm 1998, anh là một trong số 10 sinh viên tốt nghiệp khá nhất ngành nuôi trồng thủy sản. Lựa chọn đầu tiên, anh xin vào làm cho một công ty chăn nuôi của Đài Loan, nhưng thấy họ chỉ cho ngồi đọc báo nên nản, được 20 ngày thì Dương bỏ công ty, xin sang làm việc cho Công ty Thông Thuận ở Bình Thuận, một trong những “đại gia” nuôi tôm khét tiếng. Có đất dụng võ, chàng kỹ sư lao vào làm việc, lăn lộn với các ao tôm, giúp thợ nuôi tôm chuyển giao công nghệ và cũng học hỏi được rất nhiều từ thực tiễn. Yêu nghề, say nghề nhưng một ngày anh chợt nghĩ: “Nếu cứ đi làm thuê mãi lương ba cọc ba đồng thì biết bao giờ cuộc sống đổi thay”. Dương mạnh dạn gom vốn, vay bạn bè, dốc túi mới được 150 triệu đồng nhưng cũng quyết nuôi… một ao tôm dù vẫn biết rằng, với nghề nuôi tôm, lưng vốn vài trăm triệu chẳng khác chi muối bỏ bể. Gần một năm sau, năm 2002, ao tôm trúng hơn 1 tỷ đồng thì Dương đi đến một quyết định mạnh mẽ hơn: Không dừng lại mà đầu tư tiếp. Gia đình, anh em ở quê đều khuyên can, cho rằng anh “gàn”, không nên “liều” quá. Ngày ấy, số tiền hơn 1 tỷ đồng đủ mua được hơn 100 cây vàng, mua được nhiều căn nhà ở Nha Trang nhưng dù chưa có nhà riêng khang trang, Dương vẫn quyết dốc túi đi mua đất nuôi tôm. Ít tiền thì phải đi xa, anh lên tận Sóc Trăng, rồi lại ngược ra Hà Tĩnh với quyết tâm làm ăn lớn.
Dám nghĩ dám làm, Dương lăn lộn với các vùng tôm suốt bao năm, có khi cả tháng không về nhà, luôn lưng trần quần cộc, lặn ngụp dưới ao. Không chỉ ở ao nhà, Dương còn chủ động đi khắp các địa phương, các viện nghiên cứu và cả nước ngoài để học hỏi, nâng cao “trình” nuôi tôm. Đi hết các vùng nuôi tôm ở Việt Nam, Dương lại đi tiếp sang Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… và chính từ những gì mắt thấy tai nghe đã gợi mở cho anh có được bí quyết ngàn vàng ngày hôm nay.
Dương tâm sự: Đang thắng lớn, từ cuối năm 2010, tôi khốn đốn vì tôm chết, mất hơn 20 tỷ đồng. Bao đêm Dương mất ăn mất ngủ. Phải người thiếu vốn có lẽ đã khuynh gia bại sản nhưng Dương không nản, anh quyết đi tìm nguyên nhân tôm chết. Anh tới khắp các viện nghiên cứu thủy sản, gặp các nhà khoa học, mỗi người nói một kiểu khác nhau. Cứ nơi nào có hội thảo, hội nghị bàn chuyện tôm là Dương tìm đến, lắng nghe, ghi chép, tìm cách cứu tôm theo dạng “có bệnh thì vái tứ phương”. Áp dụng nhiều kiểu, nhiều cách, tỷ lệ tôm chết có giảm, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Lúc tốt nhất, tỷ lệ tôm chết là 50%, coi như vẫn lỗ vốn. Những tưởng đã đành phải buông xuôi, bỏ tôm làm nghề khác nhưng rồi ít bữa, anh em lại thấy Dương khăn gói quả mướp lên đường. Đi đâu? Lần này Dương quyết định đi nước ngoài, chọn 3 nước nuôi tôm mạnh nhất là Trung Quốc, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Ghi chép, học hỏi được nhiều, về làm theo họ nhưng tôm vẫn… chết!
Giáp Tết, người nuôi tôm như ngồi trên đống lửa khi dịch tôm chết vẫn lan tràn. Trong số gần 100 ao tôm của Dương, chỉ còn 26 ao cuối cùng. Làm gì đây? Dương lại lên đường… đi tiếp. Lần này, anh quyết định đi dọc chiều dài đất nước, đến tất cả các vùng nuôi tôm lớn, thời gian đi kéo dài tới 26 ngày. Chiếc xe Civic rong ruổi cùng anh, tay lái xe mà đầu đăm chiêu, lòng như có lửa. Chính trong những ngày ấy, anh đã liên hệ, so sánh những gì người nước ngoài làm tốt khi nuôi tôm mà người Việt Nam chưa làm được. Anh cũng nhận ra những “lỗ hổng” mà các nhà khoa học chưa nhìn thấy. Đúng là khi tôm chết, hội thảo, nghiên cứu, phân tích nhiều nhưng các nhà nghiên cứu thường chỉ xét nghiệm và thấy bệnh từ xác tôm chết, ít người nhìn nhận được cả quá trình nuôi tôm. Ngày Dương kết thúc chuyến “thị sát” trở về thì cũng là lúc 26 ao tôm cuối cùng đã chết gần hết, chỉ còn duy nhất… một ao chưa có tôm chết. Dương đứng trên bờ ao đau xót cầm trên tay những con tôm ốm yếu mà đôi chân như muốn khuỵu xuống. Nhưng rồi câu ca dao miền Trung chợt vang lên trong anh “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. “Còn cái lai quần cũng đánh. Mình là người lính, không thể đầu hàng! Hơn 20 năm sống với tôm, ăn ngủ với tôm, mình hiểu rõ con tôm nhất, nên không thể bỏ nó. Mình sẽ dành toàn tâm, toàn lực và tất cả những hiểu biết cho ao tôm cuối cùng này”. Nghĩ là làm, anh ở lại ăn Tết luôn tại ao tôm, nằm tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách nhà gần 200 cây số. Chính trong những ngày Tết u buồn ấy, anh đã tìm ra được bí quyết. Nằm nghiền ngẫm một mình trong khói trầm ngày Tết, anh hồi tưởng lại gần 20 năm cuộc đời gắn bó với con tôm, chợt nhận ra cuộc sống con tôm cũng chẳng khác con người. “Muốn con tôm khỏe thì nó phải được chăm sóc từ khi còn nhỏ, như chăm sóc em bé, càng nhỏ chăm sóc càng kỹ. Cùng với đó, chuyện tôm chết sớm được các nhà khoa học gọi là “hội chứng chết sớm”, lý giải nhiều nguyên nhân, khi nào khó thì người ta thường nói là do “vi-rút lạ” hoặc “chưa rõ nguyên nhân”. Hội nghị đã nhiều nhưng chưa ai đưa ra được phác đồ điều trị, cứ hội nghị là tranh cãi nhau, thiếu thực tế. Riêng tôi, bằng quan sát thực tế, tôi thấy xung quanh chuyện tôm chết có 4 vấn đề và bám vào đó, xử lý cả 4 cho rốt ráo là thành công ngay!” - kỹ sư Dương cho biết (chúng tôi sẽ nêu 4 bí quyết này trong bài báo kỳ sau).
Nắm “vàng” trong tay vẫn chia sẻ giúp người
Điều bất ngờ là trong bối cảnh ngành nuôi tôm đang “chết như rạ”, một mình sở hữu công nghệ độc trong tay, với người khác, có thể nắm cơ hội này để làm giàu cho riêng mình. Với những người khác có thể nhân đây để “bán bí quyết”, chuyển giao công nghệ cho cộng đồng nuôi tôm cả nước với giá cắt cổ để làm giàu. Nhưng Dương thì không. Anh không hề giấu nghề, giữ bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ cho người khác. Bất kỳ ai yêu nghề nuôi tôm, cần học hỏi bí quyết, anh đều cho hết, không giấu giếm bất kỳ điều gì. Anh Nguyễn Viết Tuấn, chủ đầm tôm ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận tâm sự: “Trước tôi nuôi 16 ao tôm, chết cả 16. Từ hồi áp dụng công nghệ của chú Dương, tôm đỡ chết nhiều, nếu không chắc chỉ còn nước tôi… ra đê ở”. Anh Tuấn cho biết thêm rằng, cả xã Phước Thể có gần 500ha nuôi tôm, phải bỏ hoang cả nửa năm trời, nay nhờ có công nghệ của anh Dương nên mới rục rịch nuôi trở lại.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Lưu Viết Tuấn, cũng là một kỹ sư nông nghiệp, chủ trang trại tôm ở Hà Tĩnh sau một tháng vào Bình Thuận “tầm sư học đạo” trở về áp dụng quy trình của anh Dương: “Tôm của tôi bớt chết đi rồi, hiệu quả rõ rệt. Chú Dương đúng là ân nhân, cứu cả gia đình tôi bên bờ vực phá sản”.
“Tôi đặt tên công ty là Hải Dương với nghĩa nôm na Dương là tên mình, Hải là biển nhưng giờ đây nhiều anh em gọi đùa Hải Dương là ông này… “hưởng dai”, “không chết”. Song ngẫm lại, mình có được ngày hôm nay cũng nhờ vật lộn, sống chết với con tôm. Đi lên từ bàn tay trắng, mọi việc nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ nên giờ mọi người khó khăn, mình không thể ngoảnh mặt. Chuyển giao công nghệ cũng là cứu người, giúp người chú ạ. Nhìn một cách rộng hơn thì con tôm chiếm tới 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, nếu công nghệ của tôi mà được vận dụng nhiều, sẽ có ý nghĩa lớn lắm” - Kỹ sư Dương tâm sự.
Bài 3: “Cuộc chiến” cứu tôm - ngành chăn nuôi “tỷ đô”: Bí quyết công nghệ “cứu tôm”
Bài 1: Câu chuyện cứu tôm – ngành chăn nuôi “tỷ đô”: “Vương quốc tôm” thời khủng hoảng