Đây là giống cá mới được lai tạo bằng công nghệ chuyển gien do các nhà khoa học trẻ của Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM thực hiện.
Th.S Mai Nguyễn Thành Trung, một trong hai thành viên của nhóm thực hiện dự án, kể: “TP.HCM có chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu là đẩy mạnh phát triển những loài mới vì cá cảnh cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của ngành nông nghiệp thành phố. Thực ra trên thế giới người ta đã áp dụng công nghệ chuyển gien cho cá và công nghệ này được cho phép thương mại hóa đối với sản phẩm cá cảnh. Chúng tôi học về công nghệ sinh học và cũng đã tiếp cận với công nghệ chuyển gien. Chính vì vậy đầu năm 2013, tôi và một bạn đồng nghiệp đã bắt tay thực hiện chuyển gien cho cá cảnh để tạo ra loài mới có khả năng phát sáng. Công trình nghiên cứu của chúng tôi được sự hỗ trợ về kỹ thuật của TS Nguyễn Quốc Bình, cũng là chuyên gia của trung tâm”.
Đối tượng chuyển gien được thực hiện trên cá sóc (Oryzias curvinotus) và cá thần tiên (Pterophyllum scalare), bằng phương pháp vi tiêm (Microinjection). Chàng chuyên gia trẻ, chỉ mới 27 tuổi của Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM cho biết: Đối tượng chính là cá sóc vì đây là loài cá bản địa của VN, trước đây chủ yếu sống trong tự nhiên. Các nhà khoa học đã sử dụng gien màu lục lam CFP (Cyan fluorescent protein) được phân lập từ san hô (Anemonia majano) để chuyển vào cá và gien màu đỏ RFP (Red fluorescent protein) được phân lập từ san hô (Discosoma sp). Vi tiêm là một kỹ thuật phức tạp đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao vì thao tác trên các “vật liệu” cực kỳ nhỏ. Trên thế giới, tỷ lệ thao tác thành công kỹ thuật này trung bình chưa quá 20%. Khi thực hiện thao tác thành công, trứng được chuyển gien vào được xem là F0. Trứng khi nở ra cá con F0, thế hệ cá này hầu như ở thể khảm - không hoàn chỉnh, biểu hiện qua toàn thân cá không phát sáng hết mà có sọc đen. Cá này sau khoảng 6 - 9 tháng sẽ trở thành cá trưởng thành và có khả năng sinh sản để tạo ra thế hệ F1.
Tiếp tục nuôi sinh sản đến thế hệ F2, nếu toàn thân cá phát sáng, không còn sọc, vằn đen (thể khảm) thì đã chuyển gien thành công. “Chúng tôi đã mất khoảng hơn 2 năm để cho ra lứa cá phát sáng đầu tiên vào đầu năm 2015. Theo dõi những con cá chuyển gien này trong suốt thời gian qua tôi nhận thấy khả năng sinh trưởng cũng không có gì khác biệt so với những con cá bình thường”, anh Trung cho biết.
Theo anh Trung, trên thế giới người ta đã thực hiện chuyển gien thành công cả trên cá cảnh và cá dùng làm thực phẩm, nhưng chỉ có sản phẩm cá cảnh được cho phép thương mại hóa. Hiện nay Mỹ với sản phẩm cá ngựa vằn chuyển gien và Đài Loan có cá thần tiên là 2 sản phẩm được thương mại hóa rất mạnh. Giá các giống cá này cao hơn từ 5 - 10 lần so với cá thường. “Hiện tại chúng tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật để có thể thực hiện thương mại hóa sản phẩm cá phát sáng trong một vài năm tới. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển gien cho cá phát sáng thêm nhiều màu khác và nhiều loài cá cảnh khác”, anh Trung chia sẻ.