Trên thực tế, không ít nước NK thủy sản đã và đang đưa ra những yêu cầu chặt chẽ về an toàn dịch bệnh với thời điểm áp dụng sát sao. Điển hình như, Australia áp dụng yêu cầu chặt chẽ từ tháng 7/2017; Hàn Quốc từ tháng 4/2018... Nếu không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thủy sản Việt chỉ có thể ngậm ngùi đứng ngoài “cuộc chơi”.
Trên thực tế, để đảm bảo XK thủy sản phát triển vững bền, ngay từ tháng 11/2014, Bộ NN&PTTN đã ban hành "Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, giai đoạn 2015-2020". Đến đầu tháng 10/2016, "Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ XK" cũng được ban hành. Bước sang năm 2017, vào cuối tháng 3, Bộ NN&PTTN tiếp tục phê duyệt “Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ XK, giai đoạn 2017 – 2020”, làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ XK thuỷ sản.
Cấp Bộ rốt ráo là thế, tuy nhiên điều đáng lưu ý là, đến thời điểm hiện tại, trong khi việc tổ chức triển khai hai kế hoạch năm 2014 và 2016 còn nhiều điều phải bàn thêm thì mới có 3 địa phương đã phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ XK giai đoạn 2018-2020, với tổng kinh phí trên 36 tỷ đồng. Trước sự chậm trễ này, Bộ NN&PTTN vừa có văn bản đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ XK từ tháng 1/2018 và các năm tiếp theo.
Bối cảnh hiện tại có thể hình dung là, các kế hoạch giám sát dịch bệnh được ban hành hết cái này tới cái khác với những nội dung, mục tiêu khá cụ thể. Trong khi đó, dịch bệnh đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới XK, thị trường NK cũng ngày một khắt khe hơn. Tất cả đều chạy theo một guồng quay liên tục. Khi đó, động thái “bình tĩnh”, thiếu chủ động của các địa phương trong vấn đề giám sát dịch bệnh như trên có phần chậm nhịp. Sự chậm trễ đó có thể gián tiếp khiến thủy sản Việt Nam khó tiến xa, tiến sâu hơn vào các thị trường XK khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt.