Các nhà khoa học thuộc trường đại học Queensland (Australia) đã phát hiện thấy rằng một loại protein trong nọc của ốc nón có thể làm giảm đau hiệu quả hơn thuốc morphine. Đây là cơ sở giúp phát triển một loại thuốc mới để điều trị chứng đau thần kinh dài ngày.
“Đây có thể là một tiền đề để phát triển một nhóm thuốc mới có thể giảm đau hiệu quả một trong những chứng đau kinh niên khó chữa nhất hiện nay”, giáo sư David Craik, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.Ốc nón, thường sống ở những vùng biển ẩm và nhiệt đới, sử dụng nọc để làm tê liệt con mồi. Giáo sư Craik cho biết nọc của ốc nón chứa hàng trăm protein, bao gồm conotoxincó tác dụng giảm đau hiệu quả ở con người.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại thuốc dựa trên conotoxin có thể uống bằng đường miệng. Các loại thuốc sử dụng protein hiện nay phải được tiêm trực tiếp vào tủy sống của bệnh nhân.
Những thử nghiệm ban đầu đang được tiến hành, với thuốc thử nghiệm trên chuột cho thấy tác dụng giảm đau đáng kể.
“Chúng tôi chưa biết những tác dụng phụ vì thuốc chưa được thử nghiệm trên người, nhưng chúng tôi nghĩ rằng loại thuốc này sẽ an toàn”, giáo sư Craik nói. “Nó hoạt động theo cơ chế hoàn toàn khác so với morphine, nên chúng tội nghĩ rằng nó có ít khả năng gây ra phản ứng phụ”.