Thời gian qua, cứ mỗi lần đoàn thanh tra các nước nhập khẩu thủy sản đến và đi, thì ngay sau đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu, nhẹ hơn là vài doanh nghiệp được tiếp tục xuất khẩu, còn lại thì bị đưa vào diện kiểm tra đặc biệt trước khi cho xuất đi hoặc bị cấm hoàn toàn.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thủy sản xuất khẩu Việt Nam bị kiểm tra liên tục là do nhiều lô hàng thủy sản trước đó bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng đối với thị trường Nga, cá tra Việt Nam đã bị cấm vào đây năm 2008, một phần do tỷ lệ mạ băng lên đến 30% (trong một ki lô gam cá tra thành phẩm ghi trên bao bì có 300 gam nước ở dạng đóng băng). Tháng 1-2014, cá tra thêm một lần nữa bị cấm xuất vào thị trường này vì hàm lượng các loại vi sinh, kháng sinh vượt mức cho phép của cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Nga.
Lý giải về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết lâu nay, các đối tác nhập khẩu thủy sản của Việt Nam thường đưa ra các yêu cầu về quy cách sản phẩm, tỷ lệ mạ băng, bao bì đóng gói. Phía doanh nghiệp Việt Nam cứ thế mà làm theo đơn hàng. Những lô hàng có tỷ lệ mạ băng 20% hay 30% đều được làm theo yêu cầu của đối tác. “Dù biết đây là hành động gian lận thương mại nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn thỏa hiệp vì lợi nhuận cao”, ông nói.
Theo vị giám đốc này, tỷ lệ mạ băng càng cao, sản phẩm càng dễ bị vi sinh vật gây hại. Nguyên nhân do phần lớn nguồn nước dùng để mạ băng chứa nhiều loại vi sinh vật khác nhau khiến hàm lượng vi sinh vật trong sản phẩm cao.
Tỷ lệ mạ băng cao được cơ quan quản lý của Nga quy vào “tội danh” lừa dối khách hàng. Và để tạo sự khách quan trong các phán quyết của mình, Nga đã đến thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở tám doanh nghiệp, từ khâu nuôi trồng đến chế biến cá tra và kết quả là cá tra Việt Nam bị... cấm cửa ở thị trường Nga!
Điều này được ông Hòe giải thích do những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của Nga và Việt Nam có “độ chênh nhau” và những tiêu chí do phía Nga đưa ra, doanh nghiệp không đáp ứng được. “Để giải quyết vấn đề, hiện hai bên đang đối chiếu lại những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để tiến tới đưa ra một tiêu chí chung cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu cùng áp dụng”, ông Hòe cho biết.
Ông Hòe cho biết thêm, ngay sau khi Nga cấm không cho cá tra Việt Nam vào thị trường này, VASEP, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực làm việc với phía Nga để giải quyết vấn đề. Theo ông Hòe, lệnh cấm này có thể sẽ được hủy bỏ vào cuối tháng 4 này.
Tuy nhiên, theo ông H.L, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, việc viện cớ tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của hai nước chênh nhau là không thỏa đáng, vì mấy năm nay, một số doanh nghiệp vẫn xuất vào thị trường Nga bình thường.
Ông H.L dẫn chứng năm 2008 cá tra đi Nga bị cấm, nhưng sau đó được xuất khẩu trở lại. Lúc đó, phía doanh nghiệp Việt Nam đã có cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mọi động thái mua bán của doanh nghiệp đều do Ủy ban xuất khẩu cá tra đi Nga đảm trách. Nhiệm vụ của ủy ban này là kiểm tra, giám sát vấn đề mạ băng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tình trạng tranh mua tranh bán vào thị trường này.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường Nga và giữ nguyên trong suốt bốn năm qua. Những doanh nghiệp khác muốn tham gia vào thị trường này đều không được ủy ban xem xét. Vì thế, đã có ý kiến phản đối, cho rằng cần phải tạo ra thị trường tự do, doanh nghiệp nào cũng có thể tìm đối tác xuất khẩu miễn là tuân theo những quy định của nước nhập khẩu.
Tháng 7-2013, Ủy ban xuất khẩu cá tra vào Nga giải thể. Theo VASEP, ủy ban này không còn cần thiết đối với nhu cầu thực tiễn. Vì rào cản xin - cho bị loại bỏ, số doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên. Nhưng sáu tháng sau, Nga tuyên bố cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vì không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên thực tế, hiện các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản đều có các chứng chỉ như ISO, HACCP, GlobalGAP..., tức đã đáp ứng được các tiêu chí khắt khe đối với vấn đề kiểm soát vi sinh, kháng sinh nhưng tình trạng sản phẩm không được công nhận vẫn đang diễn ra. Tại thị trường Nga, trong năm năm, cá tra Việt Nam hai lần bị cấm cửa.
Trong câu chuyện cá tra Việt Nam bị cấm ở Nga, ông H.L cho rằng ngành thủy sản không thể đá trái banh về phía nước nhập khẩu mà phải thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã và đang làm ăn gian dối thông qua thỏa hiệp với các đối tác nhập khẩu.
“Dù cho ngành thủy sản có cố gắng đạt những chứng chỉ ISO, HACCP, GlobalGAP, ASC hay VietGAP thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Một khi đã có sự bắt tay thỏa hiệp, mọi chứng chỉ này coi như không tồn tại”, ông nói.
Theo dự thảo nghị định kinh doanh và xuất khẩu cá tra đang được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp, có điều khoản về tỷ lệ mạ băng cho tất cả các sản phẩm là 10%.
Tuy nhiên, cách tính tỷ lệ mạ băng của các nước có khác nhau. Hiện Việt Nam quy định khối lượng tịnh của sản phẩm gồm phần nước đóng băng cộng với khối lượng thật của sản phẩm. Cụ thể, sản phẩm có tỷ lệ mạ băng 30% tức là 1 ki lô gam khối lượng tịnh có 700 gam sản phẩm và 300 gam nước đã đóng băng. Trong khi một số nước lại quy định sản phẩm có tỷ lệ mạ băng 30% có khối lượng tịnh phải là 1,3 ki lô gam, trong đó, 1 ki lô gam sản phẩm và 300 gam nước đã đóng băng.