Lý giải điều này, chuyên gia Nguyễn Xuân Lý, nguyên Phó vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (KHCN) và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thủy sản khác với các sản phẩm nông nghiệp. Đối với sản phẩm trên cạn, công tác khảo sát, điều tra đơn giản, đỡ mất công sức hơn các sản phẩm thủy sản sống ở vùng ngập nước.
“Thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm sống ở vùng thủy triều lên xuống rất khắc nghiệt khi triển khai các hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý. Bởi, cần phải xác định được vùng phân bố của nó, vị trí phân bố của nó để xây dựng được bản đồ về xác định vị trí địa lý. Việc xác định này rất khó khăn trong khi nó vô cùng cần thiết và quan trọng”, chuyên gia xây dựng chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực thủy sản nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Lý, việc phân tích chất lượng có khác biệt riêng cho mỗi loại thủy sản, như về dinh dưỡng, đặc điểm, nhận dạng. Vấn đề này trong khoa học hiện nay không có , nhưng quan trọng là phải lựa chọn dữ liệu phân tích và người đọc kết quả đó phải có đánh giá đúng về giá trị dinh dưỡng của đối tượng định xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Đối tượng ngập nước, bao gồm các loại ngập nước nặng như sá sùng Vân Đồn, để có thể xác định được các tiêu chí đặc thù, cần triển khai nhiều nghiên cứu liên quan đến các công nghệ và phương pháp điều tra. Nó khác hoàn toàn và khó khăn hơn rất nhiều so với quá trình lựa chọn mẫu để định vị sự phân bố và xác định vị trí của nó.
Riêng đối với con sá sùng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), để có được bản đồ chỉ dẫn địa lý chính xác, trước hết, các cơ quan chức năng phải thiết lập được bản đồ chỉ dẫn sự phân bố cho sản phẩm này, xem nó được phân bố ở đâu, diện tích là bao nhiều… ?
Nói đến công tác nghiên cứu chỉ dẫn địa lý cho con sá sùng Vân Đồn, chuyên gia Nguyễn Xuân Lý cho biết, có hai vấn đề quan trọng cần quan tâm. Thứ nhất, cần xác định được hiện trạng phân bố, sau đó là nắm bắt được tình hình khai thác thực tế tại địa phương. Trong nghiên cứu phân bố, phải nghiên cứu các nội dung có liên quan như điều kiện sinh thái, môi trường liên quan đến quá trình sinh trưởng của sá sùng.
“Nên xác định một cách rạch ròi xem nó phân bố và diện tích thực tại mà chúng ta đang khai thác nó thế nào?”, nguyên Phó vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường đề nghị.
Buổi báo cáo nghiệm thu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sá sùng Vân Đồn
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, cần đánh giá được đặc điểm hình thái bên ngoài; giá trị chất lượng dinh dưỡng sá sùng; làm rõ được các chỉ số, chỉ tiêu, chất lượng dinh dưỡng đặc thù của nó so với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác. Quan trọng hơn nữa là chứng minh tính nổi trội, khác biệt của sá sùng Vân Đồn.
Hơn nữa, ông Nguyễn Xuân Lý đề nghị, nếu là chỉ dẫn địa lý của Vân Đồn thì phải phân tích được tác động của yếu tố con người đến chất lượng sản phẩm sá sùng. Việc này liên quan đến quy trình khai thác nguồn lợi tự nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến tươi, sơ chế, khô. Việc đưa ra được quy trình khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm có thể là tiền đề cho việc phát triển nước mắm sá sùng sau này.
“Nếu làm tốt điều đó, sau khi chỉ dẫn địa lý được nhà nước công nhận, tiếp theo, chúng ta nên xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế quản lý liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững sản phẩm”, ông Nguyễn Xuân Lý nhận định.
Cũng theo ông Lý, việc quảng bá thương hiệu, cũng như giá trị của sản phẩm của địa phương, nếu được quan tâm và triển khai tốt sẽ phát huy được vai trò của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Sẽ bảo tồn, phát triển bền vững các sản phẩm này ở thị trường trong và ngoài nước; nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế địa phương.