Chống nóng cho tôm trước, cho người sau
Thủy sản nuôi nói chung và tôm nuôi nói riêng là động vật thuộc nhóm máu lạnh nên điều kiện nhiệt độ môi trường nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chúng.
Thân nhiệt của tôm thay đổi theo nhiệt độ nước. Nhiệt độ nước tăng hay giảm đột ngột khiến tôm bị kích thích, có thể phát sinh ra bệnh, thậm chí gây chết hàng loạt.
Vào mùa hè, nắng nóng kéo dài hoặc mưa gió bất thường, các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột khiến tôm bị sốc hoặc phát sinh bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi.
Thực tế cho thấy, thời gian trước, không ít hộ nuôi đã phải trắng tay khi tôm bị “luộc chín” hàng loạt dưới nắng nóng gay gắt, kéo dài của mùa hè.
Do đó, những năm gần đây, để tôm sinh trưởng tốt trong điều kiện nắng nóng, người nuôi phải áp dụng rất nhiều biện pháp chống nóng cho tôm. Việc này tiêu tốn của người dân không ít tiền của.
Thời điểm này, các hộ nuôi tôm ở xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) cũng đang cấp tốc chống nóng cho tôm.
Một hộ dân ở đây cho biết nuôi tôm sợ nhất là mùa nóng. Người nóng còn có thể chịu được chứ tôm nóng thì coi như “hỏng hết”.
Nếu không chống nóng kịp thời, tôm có thể chết hàng loạt, cả vụ tôm coi như mất trắng. Do đó, phải ưu tiên chống nóng cho tôm bằng mọi giá, chống nóng cho tôm trước, chống nóng cho người sau.
Đa số hộ nuôi tôm trong vùng sử dụng phương pháp nuôi ao vèo, gồm hệ thống ao được xây dựng bằng bê tông được lót bạt phủ đáy. Cách nuôi này được người dân áp dụng nhiều do dễ vệ sinh khử độc khi hết vụ nuôi và chống nóng khá tốt.
Ngoài đầu tư bạt phủ đáy, các hộ còn trang bị hệ thống quạt nước để làm mát nước cho ao nuôi. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ an toàn và hiệu quả với cái nắng thiêu đốt, có lúc lên tới 40oC của mùa hè.
Chi tiền tỉ xây nhà chống nóng cho tôm
Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng phủ lưới chống nóng cho tôm. Chi phí chống nóng cho 1 ha ao nuôi khoảng gần 200 triệu đồng. Cách làm này được cho là có thể giảm nhiệt độ được khoảng 30% cho ao tôm.
Gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Ninh và nhiều vùng trên cả nước còn đầu tư hệ thống chống nóng bằng các nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng cho tôm.
Số tiền bỏ ra để làm hệ thống tránh nóng cho tôm không hề nhỏ.
Theo đánh giá thực tế, đây là một trong những biện pháp chống nóng hiệu quả nhất cho tôm, không những chống nóng tốt mà còn chống rét hiệu quả.
Tuy nhiên, biện pháp này ngốn chi phí đầu tư không nhỏ. Với những hộ nuôi diện tích lớn, số tiền đầu tư có thể lên tới hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ đồng.
Nhiều hộ nuôi qui mô nhỏ, vốn ít không thể đầu tư các hệ thống chống nóng quy mô lớn như trên thì tiếp tục áp dụng các biện pháp thông thường, đỡ tốn kém hơn.
Các biện pháp được áp dụng lâu nay là điều chỉnh mực nước trong ao lên 120 - 130 cm, thay cho 80 - 100 cm về mùa đông. Đồng thời thay nước liên tục và tăng cường quạt nước, nhằm khuấy đảo nước, đảm bảo cân bằng nhiệt độ, độ mặn và ôxy ở lớp nước mặt và lớp nước dưới…
Một số hộ còn thả bèo tây trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú mát cho tôm. Việc sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn cũng rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Đặc biệt, người nuôi nên giảm khẩu phần ăn xuống khoảng 50 - 60% vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35oC.
Cùng với đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của tôm để xử lý kịp thời khi tôm có hiện tượng bất thường.