Sông Lại chảy qua vùng đất màu mỡ Hoài Hương, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Sáng sớm, trời đã đổ nắng, những giọt nắng rọi xuống dòng sông và dội ngược lên thứ ánh sáng mang sắc vàng lấp lánh. Đứng bên bờ làng Thạnh Xuân, đưa mắt nhìn xuống dòng sông, tôi đã bị cuốn hút bởi cảnh nhộp nhịp của người dân quê đang hối hả dùng những chiếc nhủi để bắt ốc mưu sinh. Bộ quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, từng giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt khắc khổ nhưng họ vẫn cầm chắc chiếc nhủi để kiếm từng con ốc gạo nơi đáy sông.
“Chờ lúc nước cạn thì tôi cầm nhủi để ra sông nhủi ốc. Dù mệt nhọc nhưng cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng để có cái ăn, cái mặc và tiếp bước cho lũ trẻ đến trường” - bà Nguyễn Thị Nga (45 tuổi) chưa dứt lời đã kéo ghì tay, tiếp tục nhủi ốc.
Tại làng quê sông nước này, người dân rất quý chiếc nhủi và họ xem đó “cần câu” để kiếm sống. Chiếc nhủi để bắt ốc rất đơn giản, được làm bằng 2 thanh tre vừa đủ cầm tay, cột chéo thành hình chữ X với một tấm lưới mắt nhỏ tạo thành hình tam giác có đáy. Phần đầu của bộ nhủi tiếp xúc trực tiếp với cát dưới đáy sông được căng cố định qua lưới bằng một cọng sắt.
Qua bàn tay khéo léo của người dân sông nước, chiếc nhủi trở nên rất hữu dụng và những con ốc nằm sâu dưới đáy sông chẳng mấy chốc bị tóm gọn.
Theo người dân, khi nhủi cần nhấn mạnh nhủi xuống đáy sông rồi đều đặn đẩy cần nhủi về phía trước làm sao để mặt tiếp xúc không cắm quá sâu dưới cát. Thấy đi được đoạn đường thấy có vẻ nặng tay, họ dừng lại nhấc nhủi lên xốc vài lượt trên mặt nước để cho cát lọt ra khỏi lưới, ốc sẽ được đổ vào thau. Cứ thế, công việc lại tiếp tục.
Chùm ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại cảnh người dân dầm mình dưới dòng sông Lại, dùng chiếc nhủi để bắt ốc mưu sinh:
Dòng sông Lại thơ mộng, hữu tình chan hòa giữa núi non.
Tất bật mưu sinh mò ốc dưới đáy sông.
Người phụ nữ đội chiếc nón cời, mồ hôi đã nhễ nhại trên vai áo sờn cũ.
Chiếc thau nhựa trôi bồng bềnh trên sông, dụng cụ dùng để đựng ốc gạo.
Người dân cần mẫn mưu sinh trên con sông quê.
Người làm nghề nhủi ốc đa phần là phụ nữ.
Cảnh mưu sinh vất vả nhưng không bon chen, thi thoảng tiếng cười giòn giã lại vang lên giữa dòng sông.