Cá đối mục là loài cá đối cỡ lớn, thịt béo, thơm ngon, thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, cá đối mục (Mugil cephalus) phân bố chủ yếu Miền trung, ở ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, cá đối mục được nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm khi môi trường nuôi tôm đang bị suy thoái như hiện nay.
Nghiên cứu này đã chứng minh rằng bổ sung chiết xuất chè xanh Camellia Sinensis có ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng và một số chỉ tiêu miễn dịch của cá đối mục M. cephalus. Kết quả từ nghiên cứu này có thể được ứng dụng trong các ao nuôi cá đối mục thương phẩm.
Nguyên liệu từ thực vật được xem là hóa chất an toàn và rẻ tiền. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật có vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng chống chịu stress, kích thích tăng trưởng, kích thích đáp ứng miễn dịch trong thực hành nuôi trồng thủy sản.
Cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis L. được trồng phổ biến ở nước ta và một số nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây chè được trồng phổ biến ở nước ta từ Bắc đến Nam. Cây chè có thành phần hóa học rất quan trọng có khoảng 130 chất: Tanin, Alkaloid, Flavonoid, protein, axit amin, các pectin, tinh dầu, các enzym, các axit hữu cơ, đặc biệt có các vitamin... với những đặc tính hóa học này chè được biết đến là sản phẩm có khả năng chống oxy hóa cao có khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm mệt mỏi và căng thẳng, hạn chế quá trình lão hóa và được ứng dụng rộng rãi trong ngành dược học và hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên, ứng dụng trong thủy sản còn khá hạn chế nên nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung chiết xuất chè xanh Camellia sinensis vào khẩu phần ăn của cá đối giống Mugil cephalus và ảnh hưởng của sử dụng chiết xuất chè xanh lên các chỉ tiêu tăng trưởng và miễn dịch của các đối mục bao gồm: hiệu suất tăng trưởng, các thông số huyết học chứa RBC, Hct , Hb và WBC kháng lại mầm bệnh do P. damselae gây ra.
Bố trí thí nghiệm
Cá đối được cho ăn với chế độ ăn bổ sung 0 (đối chứng), 50, 100 và 200 mg / kg chiết xuất chè xanh (GTE) sau đó được thử thách với vi khuẩn Photobacterium damselae.
Kết quả
Kết quả chỉ ra rằng GTE giảm tỷ lệ tử vong đối với cá đối tiếp xúc với mầm bệnh do vi khuẩn Photobacterium damselae gây ra. Ở các nghiệm thức bổ sung GTE cho thấy tỉ lệ sống cao hơn đối chứng và khác biệt có ý nghĩa, tỉ lệ sống đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức 200 mg / kg GTE và không khác biệt so với nghiệm thức bổ sung 100 mg / kg GTE. Tương tự, các thông số huyết học chứa RBC, Hct , Hb và WBC và hiệu suất tăng trưởng ở các nghiệm thức bổ sung GTE đều cao hơn đáng kể so với đối chứng. Ngoài ra, hoạt động thực bào (PA), hoạt động hô hấp (RBA) và Lysozyme tăng đáng kể trong các nghiệm thức cho ăn 50, 100 và 200 mg / kg GTE.
Bệnh tụ huyết trùng còn được gọi là xuất huyết nhiễm trùng, gây ra bởi vi khuẩn ưa mặn Photobacterium damselae. Vi khuẩn này được mô tả là tác nhân gây bệnh trên rất nhiều đối tượng thuộc cá biển nuôi lồng tại nhiều quốc gia trên thế giới, các loài cá có tầm quan trọng về kinh tế trong nuôi trồng thủy sản như cá mú, cá bớp, cá tráp, cá vược và cá đối mục... Vi khuẩn P. damselae có thể tấn công và gây bệnh trên cá biển nuôi ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá từ giai đoạn ấu trùng, cá giống đến cá nuôi thương phẩm và tỉ lệ chết đến 80-100% gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Do đó, kết quả từ nghiên cứu cung cấp thêm thông tin cở sở ứng dụng giảm thiểu ảnh hưởng của vi khuẩn P. damselae lên cá đối mục bằng cách kết hợp chế độ ăn bổ sung chiết xuất chè C. sinensis với liều 100 và 200 mg / kg để tăng cường khả năng miễn dịch và đề kháng với mầm bệnh.
Theo Shapour Kakoolakia và cộng sự