Đó là nội dung quan trọng tại hội nghị “Phát triển ngành tôm VN” do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Cà Mau ngày 6-2.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường công nhận khả năng của ngành tôm VN không chỉ dừng lại ở hơn 3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu và 700.000ha diện tích nuôi hiện nay mà còn cao hơn nhiều nếu có khát vọng, quyết tâm của Chính phủ và toàn dân.
Mở rộng hạn điền cho nuôi tôm
Khẳng định tiềm năng phát triển ngành tôm của VN còn rất lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay trong quý 1-2017, Bộ NN&PTNT phải trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành nền công nghiệp sản xuất tôm VN.
Trong kế hoạch phải nói rõ định hướng quy hoạch các địa phương, vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, mở rộng hạn điền, phát triển tôm nước lợ cũng như tăng cường kiểm tra giám sát bệnh dịch trên tôm, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom chế biến tôm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát để quy hoạch nuôi tôm theo hướng “để phát triển chứ không phải kìm hãm”, không để tình trạng nông dân tự phát, manh mún; quy hoạch phải đi liền với bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong cung cấp thức ăn của ngành tôm.
Về xây dựng thương hiệu, Thủ tướng yêu cầu các địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Quảng Ninh... phải xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, các lợi thế tự nhiên của địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần chú trọng hỗ trợ, cung cấp thông tin về tình hình cung cầu, giá cả thị trường để người dân cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh mở rộng diện tích nuôi tôm vượt quá nhu cầu, gây mất giá, ảnh hưởng chung cả ngành tôm VN.
Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính.
“Tôi nhắc nhở khâu trung gian, các anh làm gì cũng nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng “ăn bát bỏ mâm” vì lợi ích nào đó. Chính phủ nghiêm khắc xử lý những khâu trung gian, những cá nhân vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng môi trường sản xuất tôm VN, mất uy tín thương hiệu tôm VN” - Thủ tướng tuyên bố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính..."
“Đã đến lúc phải suy nghĩ mới”
Đặt hàng của Thủ tướng đã làm “nóng” hội trường với nhiều phản ánh và hiến kế. Ông Lê Văn Quang - chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú - nêu một “hiện tượng”: sáu tháng đầu năm 2016 sản lượng tôm VN chỉ bằng 30% sản lượng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm, sản lượng lại tăng vọt và sản lượng tôm năm 2016 đã tăng hơn 1,7% so với năm 2015.
“Cái gì làm được việc này?”, ông Quang cho rằng do người nuôi tôm chuyển từ nuôi tôm mật độ cao sang thấp. Kết quả, cùng thời gian 3 tháng, thay vì những năm trước phải 60-80 con mới đạt 1kg, nuôi mật độ thấp đạt 40-50 con/kg.
Ông Quang trần tình với 35 năm kinh nghiệm làm nghề tôm, nhưng khi đi thăm đất nước Ecuador thì “tất cả kiến thức và nhìn nhận của tôi về nghề tôm trước đây hoàn toàn sai hết”.
Vì từ trước luôn nghĩ nuôi mật độ cao thì có năng suất, lợi nhuận cao, nhưng ở Ecuador nuôi mật độ thấp (30-50 con) nên không phải xử lý môi trường và xử lý nước, thu hoạch xong là thả tôm khác ngay.
Chính phủ sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm nước, hóa chất, tạp chất, chì vào tôm để trục lợi bất chính...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong khi ở VN nuôi tôm mật độ cao hơn nên phải phơi ao, xử lý nước đầu vào, đầu ra..., một năm chỉ nuôi được một hoặc một vụ rưỡi.
Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định riêng tôm “chưa bao giờ người ta nhìn thấy giới hạn cuối cùng” trong thị trường tiêu thụ.
Vì vậy theo ông Khánh, câu chuyện ngành tôm quan trọng nhất là khâu sản xuất. Ông Khánh đúc kết: “Phải có sự thay đổi về tư duy theo hướng hiện đại hóa. Như thay vì nuôi mật độ cao chuyển sang nuôi mật độ thấp, rồi quy trình mới 3 sạch gồm: tôm sạch, nước sạch, đáy sạch...”.
Ông Đặng Quốc Tuấn, phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc, cho rằng VN cần có những thương hiệu mạnh vì hiện tại dù xuất khẩu đứng thứ ba thế giới nhưng khi hỏi thương hiệu tôm VN là gì thì không có! “Vậy thì chết rồi. Muốn đẩy giá trị gia tăng thì phải có thương hiệu. Chính phủ phải có chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng đầu dẫn dắt phát triển. Phải có 5-7 thương hiệu tôm hàng đầu thế giới...” - ông Tuấn đề xuất.
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu VN có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm, thị trường tôm còn rất lớn, vì vậy phải có quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ để đưa ngành tôm VN tiến lên sản xuất lớn, hiệu quả cao. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chậm nhất trước năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỉ USD, phải có thương hiệu tôm VN nổi tiếng...
Đề nghị Chính phủ can thiệp
Dù tiềm năng nhưng hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của VN đang gặp nhiều khó khăn trước việc Úc tạm ngưng nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ các quốc gia châu Á, trong đó có VN, vì nghi ngờ nguồn gây bệnh đốm trắng là từ tôm nhập khẩu. Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết lệnh cấm của Úc ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu tôm của VN sang Úc. “Hiện các doanh nghiệp và VASEP đang đề nghị Chính phủ VN có các hành động can thiệp với Chính phủ Úc để tháo dỡ lệnh cấm hoặc rút ngắn thời hạn cấm nhập khẩu tôm từ VN” - ông Hòe nói.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có thông báo sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ VN trong thời gian ít nhất là 5 năm nữa. Theo VASEP, đây mới là kết luận của DOC, hiện các doanh nghiệp đang chờ đợi phán quyết của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Theo quy định, nếu một trong hai đơn vị là DOC hoặc ITC phán quyết tôm VN không bán phá giá trong đợt xem xét hoàng hôn là có thể đóng vụ kiện.Trần Mạnh
Thị trường Trung Quốc tiềm năng nhưng rủi ro
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho rằng thị trường Trung Quốc được xác định là đầy tiềm năng trong năm 2017, đặc biệt là tôm sú. Tuy nhiên, bộ này cảnh báo Trung Quốc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản, rủi ro trong thanh toán và không ổn định về giá. Bộ Công thương cho biết đang phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc với cơ quan thẩm quyền phía Trung Quốc để tháo gỡ cho doanh nghiệp.