Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Tôm nước lợ" (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu nhằm góp phần phát triển ngành tôm công nghiệp tôm nước lợ có khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến gắn với tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2020, thúc đẩy tạo vùng nuôi tôm sú hữu cơ ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng tôm sú hữu cơ đạt trên 1.000 tấn/năm; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp tập trung ở một số tỉnh trọng điểm, sản lượng tôm thẻ chân trắng an toàn thực phẩm đạt trên 7.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, góp phần dịch chuyển nghề sản xuất tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập của các thành phần trong chuỗi ngành hàng tôm nước lợ tăng trên 20% so với năm 2016; tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động ở các địa phương.
Ngoài ra, góp phần phát triển mô hình ngành hàng tôm nước lợ theo chuỗi liên kết, trên 10% diện tích nuôi tôm sú hữu cơ và tôm thẻ chân trắng công nghiệp liên kết theo chuỗi hiệu quả, bền vững.
Đến năm 2020, làm chủ được quy trình công nghệ gia hoá, chọn giống và sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng cao (sạch/kháng một số bệnh thường gặp, sinh trưởng nhanh, thích nghi với các điều kiện môi trường) tương đương thế giới;
Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tôm sú hữu cơ đạt năng suất tăng trên 10% so với mô hình truyền thống, sản phẩm đạt tiêu chuẩn tôm sú hữu cơ của Việt Nam và quốc tế.
Xây dựng được quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp (năng suất ổn định từ 35-40 tấn/ha/vụ), sản phẩm đạt tiêu chuẩn tôm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Xây dựng được quy trình công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ liệu chế biến tôm nước lợ và vỏ tôm thu từ ao nuôi.
Đồng thời, xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi tôm sú hữu cơ và tôm thẻ chân trắng an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài ra, có tối thiểu 5 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.