Để vượt qua thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đó, các DN cần hiểu rõ nội hàm và bối cảnh của những diễn biến liên quan, đồng thời tăng cường liên kết cộng đồng các DN, Hiệp hội và các cơ quan có thẩm quyền trong những chương trình hành động chung.
Sự gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại
Theo Hội đồng Tư vấn các biện pháp Phòng vệ Thương mại Quốc tế (TRC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính từ năm 1994, khi Columbia kiện Việt Nam bán phá giá gạo đến nay, đã có 50 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá (CBPG) và 4 vụ kiện chống trợ cấp (CTC) đối với các sản phẩm XK của Việt Nam. Nhiều sản phẩm quan trọng của Việt Nam đã phải điều trần trước các đơn khởi kiện CBPG và CTC ở nước ngoài, như sản phẩm phile cá tra đông lạnh và tôm xuất sang Mỹ, thép xuất sang Thái Lan, hạt điều sang Ấn Độ, xi măng xuất sang Nam Phi,...,
Trong vụ kiện CBPG cá tra, theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 14/03/2013, thuế CBPG đánh vào mặt hàng cá tra philê đông lạnh của các DN Việt Nam XK vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) tăng hang tram phần trăm so với mức thuế trong POR7, đặt các DN chế biến cá tra XK và người nuôi cá Việt Nam trước những khó khăn và thách thức lớn.
Với thực tế, Việt Nam chưa được một số nước công nhận có nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục phải đối phó với ngày càng nhiều bất lợi trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Ngày 21/03/2013 tại Tp HCM, VCCI đã phối hợp với Công ty luật Mayer Brown JSM tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại” với sự tham dự của 170 đại biểu đại diện cho các DN, các hiệp hội, các cơ quan truyền thông và các cơ quan hữu quan. Hội thảo nhằm mang lại cho các DN XK Việt Nam cơ hội nắm bắt kiến thức và kinh nghiệm thực tế về các vấn đề liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và XK của mình.
Chủ động đối phó với các vụ kiện
Khi một ngành công nghiệp trong nước nộp đơn khởi kiện một vụ kiện thương mại với chính phủ của mình, ngành đó phải mô tả được “phạm vi” (đối tượng) của cuộc điều tra. Do đó, một trong những điều đầu tiên DN cần làm là xem xét cẩn thận ngôn ngữ mô tả phạm vi điều tra để xác định xem liệu sản phẩm của mình có phải là đối tượng của vụ kiện không.
Theo công ty luật Mayer Brown, trong nhiều trường hợp các DN chỉ đọc “tên” vụ kiện mà không nghiên cứu kỹ ngôn ngữ mô tả phạm vi điều tra. Trong khi đó, vì phạm vi của các vụ kiện thương mại được mô tả rất kỹ và rất cụ thể, sản phẩm của DN có thể nằm ngoài phạm vi vụ kiện, hoặc có cơ hội để phản biện, hay thương lượng với ngành công nghiệp nộp đơn kiện để đưa sản phẩm của mình ra khỏi vụ kiện, vẫn vô tình bị xếp vào phạm vi điều tra.
Một phương án đơn giản để thoát khỏi vụ kiện là ngừng sản xuất sản phẩm nằm trong phạm vi điều tra tại quốc gia mục tiêu và chuyển toàn bộ hoặc một phần sản phẩm sang một nước thứ ba, vì vụ kiện chống lại sản phẩm có nguồn gốc từ một quốc gia cụ thể chứ không chống quyền sở hữu của công ty sản xuất.