Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo Sở NN-PTNT, năm 2016, diện tích thả nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn trên địa bàn tỉnh trên 2.000ha; trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 1.800ha. Trong năm qua, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi cũng khá phức tạp, khoảng 190ha nuôi tôm bị bệnh, chủ yếu hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và bệnh do môi trường. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, năm 2016, trên địa bàn huyện đã thả nuôi tôm nước lợ với khoảng 1.010ha, trong đó có khoảng 135ha tôm nuôi bị bệnh.
Còn ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Năm 2016, cá bớp nuôi tại một số địa phương ở thị xã đã xuất hiện bệnh photobacteriosis làm cá chết từ 15-30% tổng đàn. Riêng cá bớp nuôi tại phường Xuân Yên bị bệnh do môi trường và tỉ lệ chết từ 60-70% tổng đàn. Đối với tôm hùm, cá mú nuôi lồng tại xã Xuân Phương cũng bị chết từ 70- 90%. Còn ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết năm 2016, bệnh lở loét do vi khuẩn vibrio anginolyticus đã khiến hơn 41.180 con cá mú của 96 hộ nuôi và hơn 32.880 con cá hồng của 94 hộ nuôi ở xã An Ninh Đông chết. Cá chẽm, cá hồng và cá mú nuôi lồng tại xã An Hải cũng bị chết đột ngột do môi trường ô nhiễm, với tỉ lệ chết đến 80% tổng đàn.
Theo Sở NN-PTNT, năm 2016, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, tình hình dịch bệnh xảy ra rải rác suốt vụ nuôi, ở hầu hết vùng nuôi. Đặc biệt, tình hình thủy sản nuôi lồng bị chết đột ngột, với tỉ lệ cao là do yếu tố môi trường xảy ra ở các vùng nuôi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Nguyên nhân được xác định là do thời tiết biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh. Một nguyên nhân khác là do môi trường nuôi bị ô nhiễm hữu cơ vì đa số người nuôi đều sử dụng nước trực tiếp từ kênh cấp do không có ao chứa để xử lý, diệt khuẩn nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi nên dịch bệnh dễ xảy ra. Hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một bộ phận không nhỏ hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường nuôi chung, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành. Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được tập huấn thường xuyên về nuôi theo hướng an toàn sinh học cũng như phương pháp phòng bệnh cho thủy sản nuôi hiệu quả.
Tăng cường quản lý vùng nuôi
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở NN-PTNT đã có hướng dẫn lịch thời vụ. Theo đó, ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), chỉ nuôi một vụ tôm sú hoặc hai vụ tôm thẻ chân trắng. Tôm sú thả giống vào tháng 3 với mật độ từ 15-20 con/m2, còn tôm thẻ chân trắng thả nuôi vụ một vào tháng 1 và vụ hai vào tháng 5 với mật độ từ 40-60 con/m2. Đối với vùng nuôi tôm trên cát ở huyện Đông Hòa, chỉ nuôi hai vụ tôm sú hoặc ba vụ tôm thẻ chân trắng. Đối với các vùng nuôi tôm ở huyện Tuy An, chỉ nuôi một vụ tôm sú và thả giống từ ngày 15/1 hoặc hai vụ tôm thẻ chân trắng thả giống vào tháng 1 và tháng 5. Mật độ thả giống tôm sú từ 15-20 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 50-70 con/ m2, riêng nuôi dạng hồ hở ở đầm Ô Loan thì tôm sú từ 5-10 con/m2 và tôm thẻ chân trắng từ 30-50 con/m2. Các vùng nuôi tôm ở TX Sông Cầu cũng chỉ nuôi một vụ tôm sú hoặc hai vụ tôm thẻ chân trắng, với mật độ tôm sú từ 10- 15 con/m2, tôm thẻ chân trắng tùy theo vùng nuôi từ 30-60 con/m2. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm, thời gian còn lại đối với những vùng nuôi một vụ trong năm có thể thả nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, cá măng, hải sâm, cua xanh… để cải tạo môi trường ao nuôi. Các vùng nuôi đáy bùn thì khuyến khích nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng như cá rô phi, rong biển, vẹm xanh, hàu. Những ao hồ khi thả nuôi bị bệnh thì phải xử lý kỹ trước khi thả nuôi lại, thời gian xử lý ít nhất một tháng. Đối với ốc hương chỉ áp dụng cho một số vùng nuôi phù hợp ở TX Sông Cầu và chỉ thả một vụ trong năm, bắt đầu từ tháng 3/2017 với mật độ từ 80-100 com/m2.
Ông Nguyễn Tri Phương cho biết: Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương thông báo lịch thời vụ, mật độ thả nuôi thủy sản năm 2017 đến từng vùng nuôi cụ thể để người nuôi biết áp dụng. Đồng thời, các địa phương có nuôi thủy sản tăng cường giám sát vùng nuôi, chủ động xử lý các trường hợp thả nuôi trước lịch thời vụ và xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống, kiên quyết xử lý những trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh. Sở NN-PTNT đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, cung ứng giống thủy sản chấp hành nghiêm các quy định trong việc sản xuất và kinh doanh, không xuất bán con giống cho các hộ nuôi trước lịch mùa vụ.
Sở NN-PTNT cần thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản từ tỉnh đến cơ sở, tổng hợp thông tin dịch bệnh, phục vụ cho công tác cảnh báo và phòng chống dịch bệnh. Định kỳ họp hàng tháng thúy tỉnh, huyện, xã để đánh giá công tác giám sát dịch bệnh, thảo luận và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho thủy sản nuôi. Thực hiện lấy mẫu định kỳgiám sát chủ động các loại bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại các vùng nuôi và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho động vật thủy sản. Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh