Quan điểm nêu trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. Theo đại diện Chính phủ, một năm sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây nên, công tác khắc phục sự cố đã được thực hiện nghiêm túc.
Dẫn lại báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông Mai Tiến Dũng cho biết trong 53 khiếm khuyết về môi trường được cơ quan quản lý đưa ra, hiện Formosa đã khắc phục được 51 vấn đề. "Nhưng dù chỉ còn 2 khiếm khuyết chưa được khắc phục, cũng không đồng nghĩa doanh nghiệp này sẽ được hoạt động trở lại thời gian tới", người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, khi nào Formosa đảm bảo các điều kiện an toàn tuyệt đối về môi trường, không để xảy ra sự cố như năm 2016, thì doanh nghiệp mới được phép hoạt động trở lại. "Nếu không đảm bảo thì vẫn tiếp tục đóng cửa. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định chỉ cho phép Formosa hoạt động trở lại khi đã đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường.
Đầu tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt đã khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Hơn hai tháng sau, Formosa Hà Tĩnh thừa nhận việc xả thải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến ngày 6/3/2017 cả 4 tỉnh đã giải ngân được hơn 3.595 tỷ đồng trong tổng số 4.680 tỷ được tạm cấp, đạt 76,8%. Việc khôi phục sản xuất, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tại địa phương hầu như đã trở lại bình thường. Hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản tại chợ đã trở lại, người dân đã tiêu thụ được hải sản.
Tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình và các Bộ, ngành đánh giá một năm sau sự cố biển miền Trung, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tiếp tục giám sát công ty Formosa thực hiện đúng các cam kết, có trách nhiệm xã hội với bà con trên địa bàn. Cơ quan chức năng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ các hiện tượng về môi trường để có giải pháp khắc phục, không để lo lắng trong nhân dân.