Cà Mau có nhiều lợi thế, song chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản của tỉnh vẫn còn những bất cập. Người nuôi tôm phải qua ít nhất 3 công đoạn hoặc nhiều hơn mới đưa con tôm tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Chính vì thế, một nghịch lý dễ nhận thấy là người nuôi tôm đang mất dần lợi nhuận, trong khi những người trung gian lại “ngồi mát ăn bát vàng”. Nghịch lý này đang đặt ra cho Cà Mau hướng đến hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
HIỆN TRẠNG
Trước tiên chúng ta cần nhìn vào năng lực chế biến xuất khẩu của tỉnh hiện nay, vì đây là một trong những thành phần quan trọng quyết định đến tốc độ tăng trưởng của ngành. Toàn tỉnh hiện có 28 công ty với 38 xí nghiệp trực thuộc, tổng công suất thiết kế 190.000 tấn/năm; trong năm 2012 chế biến xuất khẩu thủy sản đạt trên 90.000 tấn, trong đó xuất khẩu tôm đạt 871 triệu USD, chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tôm Cà Mau có mặt ở 82 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, EU, Nhật Bản… Các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm đều đáp ứng và được các tổ chức quốc tế chứng nhận; sản phẩm tôm chế biến đa dạng và phong phú. Đặc biệt, tôm sinh thái Cà Mau đã được tổ chức Naturland (tổ chức chứng nhận của Đức) công nhận.
Toàn tỉnh hiện có 786 cơ sở sản xuất và 184 cơ sở kinh doanh tôm giống, với năng lực sản xuất hàng năm đạt khoảng 8 - 9 tỷ con đáp ứng khoảng 40% lượng tôm giống trong tỉnh. Số còn lại xấp xỉ 10 - 11 tỷ con là nhập ngoài tỉnh. Chất lượng tôm giống thời gian qua cho thấy rất đáng quan tâm, kết quả kiểm tra mẫu tôm xét nghiệm với tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Năm 2012, tỷ lệ tôm xét nghiệm có bệnh đốm trắng 9,3%, bệnh đầu vàng 18,74%, bệnh còi gần 55%. Trong khi Cà Mau còn có lợi thế rất lớn về nguồn tôm bố mẹ, vùng biển Cà Mau hàng năm cung cấp cho sản xuất tôm giống trên 150.000 tôm sú mẹ. Với diện tích trên 260.000ha nuôi nên nhu cầu tôm giống rất cao, là một thị trường tiêu thụ tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống. Trên địa bàn tỉnh có 147 đại lý, cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, năng lực cung cấp sản phẩm của các cơ sở này khoảng 85% nhu cầu trong toàn tỉnh.
Trình độ của lực lượng kỹ thuật viên ở các trại tôm giống còn nhiều hạn chế, đa phần lực lượng này chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên ngành. Hầu hết được tập huấn ngắn hạn hoặc truyền nghề. Từ đó, việc khống chế bệnh trong quá trình sản xuất cũng hạn chế, dẫn đến việc sử dụng hóa chất, kháng sinh tràn lan, gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống.
Các chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống thời gian qua tuy đã được tỉnh quan tâm ban hành và triển khai, nhưng xét về kết quả tác động còn rất thấp. Tỉnh đã ban hành quy hoạch nhưng vẫn còn nhiều trại giống nằm ngoài quy hoạch. Chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống có triển khai nhưng hiệu quả đầu tư cho vay thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp (DN); các DN chưa đảm bảo hết điều kiện của ngân hàng đầu tư. Chính sách giảm, miễn thuế vẫn còn áp dụng chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn thu thuế thu nhập DN, mặc dù đây là ngành nghề được Nhà nước khuyến khích và giảm, miễn thuế.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Đã qua, mô hình liên kết của tỉnh Cà Mau chủ yếu là: “Đầu vào - sản xuất - thu gom - chế biến - thương mại - tiêu dùng”. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau, có đến 95% người nuôi bán tôm theo hình thức thu gom của các thương lái, 4% bán cho các vựa thu mua và chỉ có 1% là tiêu thụ thẳng đến thị trường người tiêu dùng nội địa. Rõ ràng, người nuôi tôm đã phải trải qua nhiều công đoạn mới đưa được sản phẩm đến với thị trường, đương nhiên lợi nhuận cũng sẽ bị san sẻ qua các trung gian không đáng có. Đối với những sản phẩm được mua về lại là một vấn đề khác nữa. Từ người thu gom sản phẩm của người dân, có trên 62% bán lại cho các vựa và chỉ có trên 32% được bán cho các nhà máy chế biến thủy sản. Qua nhiều “khâu”, nhiều “cửa” mới đến giai đoạn cuối cùng là xuất khẩu. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Để khắc phục tình trạng thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất hiện nay đối với ngành xuất khẩu thủy sản tỉnh, các DN thủy sản và người dân cần liên kết chặt chẽ, trao đổi về tổ chức trong liên kết sản xuất và hỗ trợ nhau trong sản xuất; gắn trách nhiệm của người dân với DN. Người nuôi tôm phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong các hoạt động kinh doanh và xuất khẩu thủy sản”. Kế hoạch mô hình là vậy, nhưng về phía người nông dân vẫn còn khá nhiều trăn trở. Ông Trần Văn Diễn ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời: “Khi tham gia mô hình này, người nuôi tôm sẽ liên hệ với công ty như thế nào trong quá trình bán tôm, liệu giá sản phẩm có cao hơn so với giá thị trường, khi xảy ra sự cố trong quá trình nuôi thì nông dân sẽ được hỗ trợ như thế nào và hình thức hỗ trợ ra sao?”.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau khuyến cáo nông dân nên lựa chọn những loại tôm giống đạt tiêu chuẩn và đã qua xét nghiệm.
Khi thực hiện chuỗi liên kết, cả người dân và doanh nghiệp đều có những quyền lợi và trách nhiệm nhất định.
Tại hội thảo “Kết nối DN với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau” được tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, các đại biểu là những nhà khoa học đã thống nhất cao với quy trình mà chuỗi liên kết sản xuất đề ra. Theo đó, chuỗi liên kết mới sẽ có nhiều chính sách cho cả người nuôi và DN. Người nuôi tôm sẽ được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ DN với giá ưu đãi. Sau khi thu hoạch, người nuôi sẽ bán trực tiếp tôm cho DN chế biến, bỏ qua 2 trung gian đầu mối như người dân vẫn thường “chịu đựng” trước đây. Mô hình nhằm đặt trách nhiệm cho mỗi bên tham gia, với phương châm đôi bên cùng có lợi.
Riêng đối với Công ty giống Việt - Úc, đơn vị tham gia cùng chuỗi liên kết này cam kết sẽ hỗ trợ 20 - 30% con giống đối với hình thức nuôi hợp tác xã, nếu như có sự cố xảy ra trong quá trình nuôi nhưng với điều kiện người nuôi phải tuân thủ quy trình nuôi mà công ty này cung cấp.
Với vai trò quản lý ngành, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó lấy quy hoạch làm trọng tâm. Cụ thể, sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển theo hướng thành lập các cụm, vùng sản xuất giống tập trung để hạn chế ô nhiễm, lây lan mầm bệnh trong sản xuất tôm giống, nhằm nâng cao chất lượng tôm giống và hạn chế gây ô nhiễm môi trường cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trong tỉnh. Cần có biện pháp xử lý các trại sản xuất, kinh doanh giống ngoài quy hoạch; tăng cường trách nhiệm quản lý của địa phương và các cơ quan liên quan nhằm sắp xếp lại các trại giống; kiểm tra điều kiện sản xuất, kiên quyết đình chỉ hoặc ngưng hoạt động đối với các trại giống không đủ tiêu chuẩn chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng theo quy định hiện hành. Việc quản lý chất lượng tôm giống phải thực hiện từ tỉnh đến tận cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng.
Về kỹ thuật, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất tôm giống thực hiện các quy định về quản lý chất lượng tôm giống, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất giống đạt chất lượng cao. Khuyến cáo người nuôi tôm quan tâm giống chất lượng cao được kiểm dịch; nâng cao ý thức, tập quán sản xuất của người nuôi tôm có sự liên kết với nhau để cùng lấy chung mẫu đi xét nghiệm, giảm chi phí trong quá trình sản xuất.
Nhìn chung, khi tham gia chuỗi liên kết này, tinh thần trách nhiệm của mỗi bên sẽ được nâng lên và quyền lợi theo đó cũng tăng cao.