PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về Chương trình RFLP?
Ông Nguyễn Song Hà: Chương trình Sinh kế Thủy sản Khu vực Nam Á, Đông Nam Á (gọi tắt là RFLP) là một dự án khu vực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ, thực hiện tại 6 nước (Campuchia, Đông Timo, Inđônêxia, Philippin, Sri Lanca và Việt Nam). Tổng ngân sách theo văn kiện là 19.549.000 USD. Tại Việt Nam, dự án được triển khai ở 9 huyện ven biển thuộc 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và kết thúc vào ngày 31/8/2013.
Ông Nguyễn Song Hà-Điều phối viên quốc gia Chương trình Sinh kế thủy sản cho các nước khu vực Nam Á Đông Nam Á.
Mục tiêu của chương trình là tăng cường năng lực cho các cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm cải thiện sinh kế và quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản, gồm 6 kết quả: (1) Củng cố cơ chế đồng quản lý trong sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản; (2) Nâng cao an toàn và giảm thiểu rủi ro cho các cộng đồng ngư dân; (3) Nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản và mở rộng chuỗi thị trường; (4) Đa dạng hoá cơ hội thu nhập cho các hộ ngư dân; (5) Xúc tiến tiếp cận các dịch vụ tín dụng nhỏ cho ngư dân, cơ sở chế biến và DN nhỏ; và (6) Chia sẻ kiến thức giữa các vùng miền nhằm hỗ trợ nâng cao sinh kế và giảm thiểu rủi ro cho các cộng đồng ngư dân và quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản.
PV: Những kết quả đã thu được có đáp ứng mục tiêu ban đầu của dự án không, thưa ông?
Ông Nguyễn Song Hà: Kể từ khi triển khai chính thức từ đầu năm 2010 đến nay, dù nguồn kinh phí năm cuối của cả 6 nước đều bị cắt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở Tây Ban Nha, nhưng có thể nói dự án đã đạt được đầy đủ các mục tiêu đã đặt ra.
Đặc điểm của dự án là triển khai ở vùng bãi ngang ven biển miền Trung, nơi mà cường lực khai thác thủy sản ngày một tăng nhưng năng suất lại đang giảm. Phần lớn tàu cá có công suất nhỏ (dưới 20 CV), trang bị lạc hậu. Hệ thống cảnh báo thảm hoạ và báo cáo tai nạn còn manh mún; thị trường thủy sản thiếu minh bạch; trong khi kiến thức và trang thiết bị bảo quản sau thu hoạch thường không đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Các mặt hàng hải sản chế biến khá nghèo nàn về chủng loại, sản xuất chủ yếu theo hình thức thủ công truyền thống, hàm lượng công nghệ thấp. Người sản xuất thiếu kỹ năng tiếp thị sản phẩm, thiếu thông tin thị trường và kỹ năng phát triển kinh doanh. Các cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp tạo thu nhập cũng rất hạn chế, nhất là cho chị em phụ nữ.
Tuy vậy, ngay từ đầu, dự án đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên ngành thủy sản và tuyệt đại đa số ngư dân ở các địa bàn. Đó là do mục tiêu dự án hoàn toàn phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của cả các cơ quan quản lý và ngư dân trong việc tăng cường quan hệ đoàn kết cộng đồng, xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất trên biển để phòng chống tai nạn, rủi ro khi đi biển; tận dụng thời gian thiếu việc làm của phụ nữ để tăng thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế cho hộ ngư dân.
Sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục Thủy sản và các Sở NN&PTNT các tỉnh cũng là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thành công của dự án trong những năm qua.
PV: Kết quả của Dự án đã tác động đến cộng đồng ngư dân và ngành thủy sản như thế nào?
Ông Nguyễn Song Hà: Đối với vấn đề đồng quản lý thủy sản, dù đã được thí điểm ở nhiều nơi nhưng vẫn còn có nhiều lúng túng cả về lý luận và thực tiễn. Dự án đã thành lập được 14 Chi hội Nghề cá, thu hút 2081 hội viên (trong đó có 471 nữ). Chi cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản các tỉnh đang lập kế hoạch bảo tồn nguồn lợi đầm phá, nguồn lợi ven biển, có sự phối hợp chặt chẽ của các Chi hội Nghề cá trong việc tuần tra, phòng chống các tàu khai thác hủy diệt thủy sản ở các địa phương; xây dựng quy chế kiểm soát đóng mới và sửa chữa các tàu cá nhỏ - là vấn đề khá “gai góc” đối với ngành thủy sản.
Về an toàn trên biển, mô hình đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ tại chỗ miễn phí cho 671 ngư dân Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã được được 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ (Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau và Kiên Giang) nhân rộng. Ở Quảng Trị, sau khi thử nghiệm triển khai các xe đẩy thuyền giúp sơ tán nhanh tàu thuyền khi có bão kết hợp với xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã ở Hải Khê, Hải An và Vĩnh Thái, nay đã được nhân dân nhiều xã khác học tập làm theo. Việc thí điểm hệ thống báo cáo tai nạn, xây dựng đội ứng cứu thiên tai trên biển ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng được nhân dân và chính quyền các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng.
Từ tên gọi và mục tiêu của mình, dự án dành ưu tiên vào việc nâng cao và đa dạng hóa thu nhập cho các hộ ngư dân – một bài toán lớn và rất khó khăn cho ngành thủy sản, không chỉ ở góc độ kỹ thuật mà cả ở các khía cạnh nhân khẩu và văn hóa.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội thực tiễn tại các địa phương, thu thập được qua các đợt điều tra kinh tế - xã hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nghiên cứu khả thi và đưa ra các giải pháp để tăng thu nhập cho ngư dân. Qua đó, dự án đã giới thiệu thành công một số kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp để tăng thu nhập, như 71 mô hình nuôi gà sạch bệnh, 52 hộ chăn nuôi lợn, 41 hầm biogas, v.v… Những mô hình này không mới về mặt kỹ thuật, nhưng rất mới ở địa bàn triển khai.
Những gia đình ngư dân có điều kiện hơn có thể học hỏi các mô hình làm nước mắm, phát triển nuôi thủy sản quy mô nhỏ (ương cua giống, nuôi cá trong bể,…), hay chuyển đổi từ nghề giã cào - loại hình khai thác rất nguy hiểm đối với nguồn lợi gần bờ - sang làm dịch vụ trung chuyển và tiêu thụ cá. Các gia đình thu nhập thấp có thể tập trung vào trồng hành tăm, hay đơn giản hơn là áp dụng các phương pháp bảo quản rẻ tiền như dùng nước đá để giữ cho sản phẩm lâu bị hư hại hơn, nhờ đó bán được giá cao hơn.
RELP cấp phát áo phao và phao giúp ngư dân an toàn hơn trên biển
Có thể nói, dự án đã đóng góp phương pháp tiếp cận tổng hợp để giải quyết sinh kế cho ngư dân. Mặt khác, dự án đã đóng góp đáng kể về nghiên cứu, áp dụng mô hình đồng quản lý thủy sản trong môi trường kinh tế - xã hội đặc thù của Việt Nam.
PV: Theo ông đâu là giải pháp chính để duy trì tính bền vững của các đầu ra của dự án RFLP? Ông Nguyễn Song Hà: Ngay từ khi lập kế hoạch cho năm cuối thực hiện dự án, các đơn vị triển khai đã tính toán đến phương án duy trì tính bền vững cho các kết quả. Sở NN&PTNT 3 tỉnh đã làm đầu mối lập hồ sơ nhân lực, phương tiện, ngân sách của các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ năng lực cho vùng ven biển, như Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Chi cục Phát triển Nông thôn, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh… Căn cứ vào năng lực kỹ thuật của từng đơn vị để giao trách nhiệm tiếp tục nhân rộng kết quả của dự án, như Trung tâm Khuyến nông sẽ dành khoản ngân sách nhà nước được phân bổ hàng năm để đào tạo nghề cho ngư dân, hay phụ trách quảng bá các hoạt động sinh kế thay thế (chăn nuôi, trồng trọt, biogas) cho các xã bãi ngang. Các đơn vị tài trợ khác như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (World Bank)… cũng đã thể hiện sự quan tâm cấp vốn và triển khai các dự án mới trên cơ sở những bài học kinh nghiệm mà RFLP đã có được.
Một điều đáng mừng là, trong Quyết định 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/4/2013 vừa qua, 13 trong số 16 xã dự án đã được đưa vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn cần ưu tiên hỗ trợ. TCTS cũng đã cam kết với nhà tài trợ về việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về đồng quản lý, phân bổ thêm ngân sách khuyến ngư cho các cơ sở bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tạo điều kiện củng cố mạng lưới các Chi hội Nghề cá. Điều này mở ra triển vọng để các Chi hội Nghề cá và từng hộ gia đình ngư dân có cơ hội nhận được giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của Nhà nước sau khi Dự án kết thúc.
PV: Từ việc triển khai dự án RFLP có thể rút ra những bài học kinh nghiệm nào? Những mô hình đầu ra nào có thể tiếp tục nhân rộng vào thực tiễn nghề cá cả nước và khu vực, thưa ông? Ông Nguyễn Song Hà: Trong lĩnh vực đồng quản lý nghề cá, cần mở rộng xây dựng mạng lưới Chi hội Nghề cá cơ sở đi đôi với việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của họ. Các Chi hội này sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng và thực hiện các quy chế, kế hoạch cộng đồng về quản lý nguồn lợi. Tuy nhiên, cần bổ sung kinh phí, phương tiện và nhân lực cho các tổ đội tuần tra cộng đồng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Về an toàn trên biển, cần thấy sự tham gia của phụ nữ là rất quan trọng. Tuy phụ nữ có thể không trực tiếp sử dụng trang thiết bị an toàn trên tàu cá, nhưng họ có vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở chồng, con về ý thức phòng ngừa tai nạn. Ngoài ra, với thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình, các lớp tập huấn sơ cấp cứu sẽ giúp cho phụ nữ rất nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe gia đình khi chồng, con họ đi biển.
Các khóa tập huấn thuyền trưởng rất cần bổ sung đào tạo kiến thức cho máy trưởng để giúp cho ngư dân xử lý các trường hợp hỏng máy trên biển – một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn.Cần thành lập các đội tìm kiếm cứu nạn ở tất cả các xã để hỗ trợ kịp thời khi có tai nạn.
Cần chú ý khâu chế biến sau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm, lồng ghép vấn đề VSATTP phù hợp với điều kiện địa phương. Do khai thác thuỷ sản quy mô nhỏ, đa loài, có thể triển khai đấu giá các loài có giá trị kinh tế cao với sự tham gia của người bán lẻ để mang lại lợi ích đủ lớn, đủ bù đắp chi phí tham gia đấu thầu của ngư dân. Ngoài các kỹ năng kinh doanh và tiếp thị trực tiếp, cần hướng dẫn cho người chế biến các điều kiện về VSATTP an toàn thực phẩm để bán sản phẩm vào siêu thị. Chi hội nghề cá sẽ có vai trò rất lớn trong vấn đề này, nếu họ được định hướng phù hợp.
Lễ khởi công cảng cá Thuận An
Để đa dạng hóa nguồn thu nhập cho ngư dân, các chương trình, dự án tương lai cần dành thời gian tổ chức các cuộc họp tham vấn cộng đồng để các mô hình thí điểm mới, nhất là các giải pháp sinh kế phi ngư nghiệp, có tính khả thi cao. Cần tiến hành tập huấn nhắc lại đi đôi với thực hành để người dân chuyển từ phương thức trồng trọt và chăn nuôi ít hiệu quả trước đây sang các phương thức tốt hơn và giảm nguy cơ dịch bệnh hơn.
Các tổ, hội sản xuất ở địa phương không nên chỉ chú trọng đến việc phát triển hội viên nam mà phụ nữ cũng cần được khuyến khích tham gia, theo cơ chế một hộ gia đình không phải đóng hội phí 2 lần. Chỉ khi cả nam và nữ giới đều tham gia vào các lớp tập huấn lồng ghép giới, thì các lớp tập huấn đó mới có hiệu quả.
Mặc dù dự án được triển khai trên địa bàn rộng của 6 nước, nhưng những khó khăn của cộng đồng nghề cá là tương đối giống nhau, nên các nước tham gia đều có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhau. Chẳng hạn, mô hình đào tạo thuyền trưởng cho ngư dân ở Việt Nam đã được các cơ quan kiểm ngư ở Campuchia và Inđônêxia học tập để bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Kinh nghiệm thu hút chị em phụ nữ vào hoạt động của các chi hội nghề cá, đẩy mạnh chăn nuôi với vai trò là hoạt động sinh kế phi ngư nghiệp để đa dạng hóa thu nhập cho ngư dân cũng được Đông Timo và Campuchia áp dụng. Ngược lại, Việt Nam đã và đang học được rất nhiều từ các sáng kiến của các tổ hội phụ nữ tín dụng ở Sri Lanca, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi ở Philippin, hay các giải pháp bảo quản hải sản đơn giản nhưng hiệu quả ở Đông Timo và Inđônêxia, ... Những bài học này đều được đăng tải trên trang web của dự án (www.rflp.org).
PV: Cảm ơn ông!