Nói về chuỗi giá trị ngành cá tra tại hội thảo “Công bố kết quả khảo sát hoạt động phân tích, nghiên cứu chuỗi giá trị thủy sản” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ chiều nay 28-12, ông Võ Hùng Dũng khẳng định: “Chúng tôi phát hiện tất cả các khâu đều có vấn đề”.
Theo ông Dũng, đối với sản xuất giống, hiện có hàng trăm cơ sở hoạt động ở lĩnh vực này, nhưng khảo sát của VN Pangasius cho thấy khâu này gần như bị bỏ ngỏ.
“Năm 2013, chúng ta có 20% cơ sở nuôi thương mại đạt chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và các tiêu chuẩn tương đương khác, và năm nay, theo khảo sát của chúng tôi tỷ lệ này đã đạt đến 50%. Nhưng, đối với khẩu sản xuất giống, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có một trại đạt chứng nhận GlobalGAP”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, chính việc thiếu đầu tư vào khâu sản xuất giống cho nên từ con cá bột ương lên cá giống để đưa vô trại nuôi thương mại, tỷ lệ sống sót chỉ có 10%. “Đây là điểm yếu rất lớn, chưa tương thích với việc mỗi năm chúng ta thu được 1,7-1,8 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu”, ông khẳng định.
Đối với khu vực các nhà máy chế biến, theo ông Dũng, nếu trước đây họ chỉ làm một công việc duy nhất là chế biến, thì hiện nay họ “bao” luôn việc sản xuất nguyên liệu và thức ăn.
Ông Dũng cho rằng việc nhà máy chế biến “bao” luôn sản xuất nguyên liệu và thức ăn sẽ làm xói mòn năng lực cạnh tranh. “Tôi có làm việc với vài hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp, họ nói rằng họ không được nhận thức ăn từ các nhà máy khác (cho dù những nhà máy đó có hệ số tốt hơn) vì nếu lấy thức ăn ở chỗ khác, doanh nghiệp không mua cá của họ. Như vậy, về mặt cạnh tranh, đây là một thách thức, làm năng lực cạnh tranh giảm đi”, ông cho biết.
Theo ông Dũng, chính yếu tố trên có thể là nguyên nhân khiến giá thức ăn không giảm, dù giá nguyên liệu đầu vào như bắp, đậu nành…, liên tục giảm như thời gian qua.
Về thị trường, ông Dũng của VN Pangasius dẫn lời một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về nghiên cứu thị trường cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam không hiểu gì về tập quán cũng sở thích của người tiêu dùng ở nước ngoài, cho nên không thể nào xây dựng được thương hiệu.
“Xây dựng thương hiệu thì phải có khảo sát công phu về những thị trường có tỷ lệ tiêu thụ chiếm từ 10% thị phần xuất khẩu để đưa ra các chiến lược cho thích hợp, nhưng rất tiếc chúng ta không làm được điều này”, ông cho biết.
Một điểm rất đáng lưu ý về thị trường, theo ông Dũng, là thay vì phải mở những kênh bán ở nước ngoài, thì doanh nghiệp lại tập trung đầu tư vào vùng nuôi, sản xuất thức ăn..., làm gia tăng cạnh tranh từ bên trong khiến ngành cá tra ngày càng khó khăn hơn.
Theo ông Dũng, việc thu hẹp thị trường nước ngoài, gia tăng cạnh tranh trong nước sẽ làm suy giảm lợi nhuận, suy kiệt tài nguyên, gia tăng các xung đột....